Các dữ liệu mới được công bố trong ngày 16/3 đã cho thấy nền kinh tế Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm 2020 bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự bùng phát của đại dịch virus Covid-19. Mặc dù Chính phủ Trung Quốc tuyên bố nước này đã qua đỉnh dịch với số lượng ca nhiễm bệnh mới giảm kỷ lục nhưng giới phân tích nhận định “cơn ác mộng dịch bệnh” với nền kinh tế nước này có khả năng sẽ còn kéo dài.
Nền kinh tế suy giảm mạnh
Theo Cơ quan thống kê Trung Quốc, doanh số bán lẻ tại nước này trong 2 tháng đầu năm 2020 đã giảm tới 20,5%; sản lượng công nghiệp giảm 13,5% và mức đầu tư tài sản cố định của các doanh nghiệp nước này giảm gần 25% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, sự sụt giảm của sản lượng công nghiệp là mức sụt giảm mạnh nhất trong vòng 30 năm trở lại đây, theo hãng tin Reuters. Cơ quan thống kê Trung Quốc cũng cho biết các tác động kinh tế do dịch bệnh gây ra sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn.
Tất cả dữ liệu này đều giảm mạnh hơn nhiều so với dự báo của giới phân tích. Hầu hết các hoạt động kinh tế tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đã bị đình trệ trong thời gian vừa qua khi nước này áp dụng các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh và điều này đã tạo ra đồng thời cú sốc cung và sốc cầu, ảnh hưởng tiêu cực đến mọi lĩnh vực kinh doanh.
Một số nhà phân tích nhận định dữ liệu kinh tế tháng 3/2020 của Trung Quốc có thể còn xấu hơn những dữ liệu vừa mới được công bố. Ông Julian Evans-Pritchard, chuyên gia kinh tế cao cấp về thị trường Trung Quốc của hãng tư vấn kinh tế Capital Economics, cho biết dữ liệu vừa qua chưa phản ánh thực sự tác động của dịch virus Covid-19 lên nền kinh tế Trung Quốc trong tháng 2/2020 do các dữ liệu đã được tính gộp với tháng 1/2020 – thời điểm chưa diễn ra các gián đoạn kinh tế diện rộng.
Ông Larry Hu, nhà kinh tế trưởng về thị trường Trung Quốc của tập đoàn tài chính Macquarie, cho biết "dự đoán tốt nhất" của ông là tăng trưởng kinh tế quý 1/2020 của Trung Quốc sẽ giảm 6% so với cùng kỳ năm 2019, chạm mức thấp kỷ lục trong gần 50 năm trở lại đây.
Trong khi đó, nhà kinh tế trưởng về thị trường Trung Quốc của tập đoàn tài chính Nomura, ông Lu Lu cho biết “Câu hỏi lớn nhất hiện nay là (GDP quý 1/2020 của Trung Quốc) sẽ giảm đến mức tiêu cực như nào?”.
Phục hồi kinh tế khó diễn ra nhanh
Trong những tuần gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp để tái khởi động nền kinh tế, bao gồm khuyến khích các doanh nghiệp nhanh chóng quay trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm lãi suất, cung cấp các gói tín dụng giá rẻ và giảm các loại thuế, phí. Cơ quan thống kê Trung Quốc cho biết nền kinh tế nước này có thể sẽ được cải thiện trong quý 2/2020 khi các doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động trở lại và các chính sách bắt đầu phát huy tác dụng.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế nhận định sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc có thể sẽ rất yếu trong bối cảnh mức thất nghiệp tăng đột biến, điều này sẽ làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng trong nước. Tỷ lệ thất nghiệp tại Trung Quốc đã tăng từ mức 5,2% trong tháng 12/2019 lên 6,3% trong tháng 2/2020.
Đồng thời, diễn biến phức tạp của đại dịch virus Covid-19 bên ngoài Trung Quốc sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc, kìm hãm sự phục hồi của các doanh nghiệp nước này ngay cả khi các nhà máy trở lại hoạt động bình thường.
Trong báo cáo mới công bố hôm 16/3 của tập đoàn tài chính ING, bà Iris Pang, nhà kinh tế trưởng của khu vực Trung Quốc Đại lục nhấn mạnh “Cơn ác mộng vẫn chưa kế thúc”.
Bà Iris Pang lý giải sự lan rộng của dịch virus Covid-19 tại nhiều quốc gia đồng nghĩa với việc nhu cầu trên toàn cầu sẽ bị sụt giảm và các chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn sẽ bị gián đoạn khi nhiều nhà máy tại các quốc gia khác nhau buộc phải ngưng hoạt động vì dịch bệnh.
Doanh số bán lẻ tại thị trường Trung Quốc cũng có thể sẽ phục hồi rất chậm trong bối cảnh một số thành phố lớn của Trung Quốc cho biết đã phát hiện các ca nhiễm bệnh mới nhập khẩu (di chuyển từ ngoài Trung Quốc vào) và người tiêu dùng Trung Quốc vẫn đang thận trọng với việc đến các trung tâm mua sắm và nhà hàng, bà Iris Pang cho biết.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia cảnh báo Trung Quốc có thể đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch bệnh lần 2 trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu và Chính phủ Trung Quốc đang hối thúc các doanh nghiệp tái khởi động sản xuất kinh doanh nhanh.
Trung Quốc khó đưa ra gói kích thích kinh tế lớn
Phát biểu tại buổi họp báo công bố dữ liệu kinh tế 2 tháng đầu năm 2020, ông Mao Shengyong – phát ngôn viên của Cơ quan thống kê Trung Quốc cho biết nước này sẽ đưa ra thêm các giải pháp cứu trợ kinh tế mạnh mẽ để chống lại các tác động tiêu cực của dịch virus Covid-19. Các giải pháp này sẽ bao gồm các biện pháp tài khoá và tiền tệ nhằm giảm thuế, tăng chi tiêu công, giảm chi phí sử dụng vốn cũng như các biện pháp để bảo vệ việc làm cho người lao động.
Tuy nhiên, ông Mao Shengyong cũng nhấn mạnh Chính phủ Trung Quốc sẽ theo dõi sát các diễn biến thị trường để tránh việc đẩy giá tiêu dùng lên cao hơn nữa. Tính từ đầu tháng 2/2020 đến nay Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã bơm vào thị trường tài chính nước này hàng trăm tỷ USD để nâng mức thanh khoản trên thị trường. Trong ngày 16/3, PBOC cho biết đã bơm 14,3 tỷ USD vào hệ thống tài chính nước này bằng cách cung cấp các khoản vay giá rẻ cho các ngân hàng.
Trước đó, trong ngày 13/3, PBOC tuyên bố sẽ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cũng như tỷ lệ tiền mặt mà các ngân hàng nước này phải nắm giữ, điều này sẽ cho phép bơm thêm 78,6 tỷ USD vào hệ thống ngân hàng Trung Quốc. PBOC cũng cho biết sẽ đưa ra thêm các biện pháp khác để giảm chi phí lãi vay cho các doanh nghiệp.
Nhà kinh tế trưởng về thị trường Trung Quốc của tập đoàn tài chính Nomura, ông Lu Lu, nhận định Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khoá trong những tháng tiếp theo, bao gồm cắt giảm lãi suất cho vay trung hạn và hạ mức lãi suất tiền gửi cũng như cắt giảm thuế, phí cho các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, ông Lu Lu nhận định Trung Quốc khó có khả năng tung ra một gói kích thích kinh tế quy mô lớn như những gì nước này đã làm trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi năm 2008 do dư địa chính sách không còn nhiều. So với thời điểm năm 2008, nợ công của Trung Quốc đã tăng lên, thặng dư tài khoản vãng lai cũng như dự trữ ngoại hối của nước này đã giảm xuống. Bên cạnh đó, giá thịt lợn tăng đẩy lạm phát tăng cao cũng khiến Chính phủ Trung Quốc ít có lựa chọn hơn trong việc kích thích nền kinh tế, ông Lu Lu cho biết.