Đây là một động thái hiếm hoi thể hiện sự thống nhất cao độ của khối EU với việc đảm bảo tăng trưởng kinh tế chung toàn khối và trái ngược hẳn với phản ứng tranh cãi và thiếu kiên quyết khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 nổ ra. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã đánh gục nhiều nền kinh tế thuộc khối Eurozone và nhiều quốc gia Châu Âu đến giờ vẫn chưa phục hồi hoàn toàn.
Châu Âu hiện đã trở thành tâm điểm mới nhất của đại dịch virus Covid-19; các quốc gia như Italy, Tây Ban Nha và Pháp đang vật lộn với một cuộc khủng hoảng y tế khi số bệnh nhân và ca tử vong vì virus Covid-19 tăng mạnh.
Chính phủ Đức đã cho biết nước này sẽ giảm ưu tiên cân bằng ngân sách ở thời điểm hiện tại và sẽ cung cấp tín dụng nhiều hơn để giúp các doanh nghiệp nước này duy trì hoạt động. Chính phủ Pháp cho biết sẽ bồi thường thiệt hại tiền lương cho người dân nước này nếu phải nghỉ việc vì dịch virus Covid-19. Chính phủ Italy hiện đang lên kế hoạch hỗ trợ nền kinh tế với trị giá lên tới hàng tỷ EUR.
Các quốc gia khác, bao gồm Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan và Đan Mạch, cũng đã công bố các biện pháp bảo vệ nền kinh tế trước sự bùng phát của đại dịch virus Covid-19 trong những ngày gần đây, gồm việc hoãn loại các khoản thuế, cung cấp các khoản vay khẩn cấp và đảm bảo thu nhập cho người lao động. Trong khi đó, Uỷ ban Châu Âu cho biết sẽ cho pháp các quốc gia thành viên đạt mức thâm hụt ngân sách lớn hơn mức cho phép thông thường để thực hiện các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế trước các tác động của dịch virus Covid-19.
Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu Ursula von der Leyen cho biết “Chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để hỗ trợ người dân Châu Âu và nền kinh tế Châu Âu”. Uỷ ban Châu Âu sẽ phân bổ 37 tỷ EUR (41 tỷ USD) cho các hoạt động y tế và giảm thiểu tác động kinh tế từ dịch virus Covid-19, theo bà Ursula von der Leyen.
Tuy nhiên, các khoản tiền được các quốc gia Châu Âu cho biết sẽ chi ra để chống lại tác động của dịch virus Covid-19 sẽ được chủ yếu sử dụng cho chính quốc gia đó. Hiện vẫn còn một câu hỏi mở về việc các quốc gia thành viên khối EU sẽ sẵn lòng giúp nền kinh tế Italy đến đâu trong bối cảnh nước này đã trở thành ổ dịch lớn nhất bên ngoài Trung Quốc.
Italy hiện là nền kinh tế lớn thứ ba khối Eurozone nhưng tăng trưởng kinh tế luôn thuộc nhóm thấp nhất khối và thường trực rủi ro rơi vào suy thoái kinh tế. Tăng trưởng yếu, tỷ lệ thất nghiệp cao cùng với gánh nặng nợ công lớn khiến nền kinh tế Italy dễ dàng bị “đánh gục” bởi đại dịch virus Covid-19.
Một số lãnh đạo quốc gia khối EU đã phát tín hiệu cho biết sẽ không hỗ trợ trực tiếp Italy nhưng sẽ đồng tình để Italy nâng mức thâm hụt ngân sách để nước này có thêm dư địa đối phó với dịch virus Covid-19. Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo việc gia tăng thâm hụt ngân sách của Italy có thể kích hoạt một cuộc khủng hoảng tài chính mới đối với khối EU. Tỷ lệ nợ công của Italy hiện đã lên tới 132% - cao thứ hai trong khối Eurozone, chỉ sau Hy Lạp – quốc gia khởi phát cuộc khủng hoảng nợ công khu vực Châu Âu hồi năm 2008.