Hiện Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) chịu áp lực ngày càng tăng về việc nới lỏng chính sách tiền tệ trong bối cảnh thị trường chứng khoán Nhật Bản sụt giảm mạnh, tỷ giá đồng Yên tăng cao và sự sụt giảm đầu tư của các doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch virus Covid-19 bùng phát; các rủi ro này đang ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng phục hồi kinh tế mong manh của Nhật Bản.
Trong phiên giao dịch cuối tuần trước (ngày 13/3), bất chấp các biện pháp hỗ trợ từ Chính phủ Nhật Bản, làn sóng bán tháo vẫn xảy ra trên thị trường chứng khoán nước này. Thị trường chứng khoán Nhật Bản đã rơi vào tình trạng hỗn loạn khi chỉ số chứng khoán chính Nikkei 225 giảm xuống dưới mốc 17.000 điểm – mức thấp nhất trong vòng 40 tháng trở lại đây trong sáng ngày 13/3. Trong phiên giao dịch, có lúc chỉ số Nikkei 225 giảm tới hơn 10% - mức giảm mạnh nhất trong vòng 30 năm trở lại đây. Chốt phiên giao dịch ngày 13/3, chỉ số Nikkei 225 giảm 8%.
Hãng tin Reuters cũng cho biết mặc dù chưa có đồng thuận về những biện pháp mà BoJ nên thực hiện nhưng việc tăng quy mô mua lại tài sản từ các quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) là một giải pháp khả dĩ trong tình thế hiện tại. Việc BoJ gia tăng tốc độ mua lại tài sản từ các quỹ ETF có thể giúp thị trường chứng khoán nước này tạo đáy, ngưng sụt giảm và ngăn tâm lý hoảng loạn của giới đầu tư.
Giới phân tích cho rằng các chính sách tiền tệ của BoJ không thể giúp Nhật Bản chống lại sự lây lan của dịch virus; đồng thời, các chính sách này có thể đã quá muộn để hỗ trợ nền kinh tế Nhật Bản vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro ngay cả trước khi đại dịch virus Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, việc đưa ra các biện pháp hỗ trợ thị trường sẽ giúp thị trường bình ổn và giới đầu tư lấy lại niềm tin. Ưu tiên hiện tại của BoJ là cần phải giảm thiểu các biến động lớn trên thị trường tài chính, tránh kích hoạt một vòng xoáy đi xuống của cả nền kinh tế.
Trong quý 4/2019, nền kinh tế Nhật Bản đã suy giảm mạnh với tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức -7,1% và có thể rơi vào tình trạng “suy thoái kỹ thuật” – 2 quý liên tiếp ghi nhận tăng trưởng âm. Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo tăng trưởng kinh tế quý 1/2020 của Nhật Bản sẽ tiếp tục ở mức âm từ -0,25% đến -1,6% trước các tác động của dịch virus Covid-19.
Bên cạnh đó, giới phân tích cũng kỳ vọng BoJ sẽ đưa ra thêm biện pháp để giảm bớt các áp lực tài chính lên khối doanh nghiệp Nhật Bản, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. BoJ được cho rằng sẽ ít có khả năng tiếp tục giảm lãi suất. Mức lãi suất tại Nhật Bản hiện đã xuống dưới ngưỡng 0%, việc duy trì mức lãi suất âm cực thấp đã ảnh hưởng xấu đến các tổ chức tài chính của nước này.
Hiện BoJ đang duy trì mức lãi suất ngắn hạn ở mức -0,1% và lợi suất trái phiếu chính phủ nước này loại kỳ hạn 10 năm ở mức 0%. BoJ cũng bơm tiền vào thị trường thông qua cam kết mua lại các tài sản có độ rủi ro cao từ các quỹ ETF với tổng giá trị đạt mức 6 tỷ Yên mỗi năm (tương đương 55 tỷ USD). Một số nhà phân tích cho biết mục tiêu mua tài sản từ các quỹ ETF của BoJ sẽ đạt được chỉ trong vòng vài tháng tới nếu BoJ vẫn duy trì tốc độ mua lại như hiện nay.
Trong ngày 10/3, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua gói chi tiêu khẩn cấp thứ 2 trị giá 430 tỷ Yên Nhật (tương đương 4,1 tỷ USD) bao gồm các hình thức hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ nước này trước các tác động của dịch virus Covid-19. Chính phủ Nhật Bản cho biết đang lên kế hoạch cung cấp khoản tín dụng lên tới 1,6 nghìn tỷ Yên (tương đương 15 tỷ USD) với mức lãi suất 0% và không yêu cầu các khoản vay thế chấp để giúp các doanh nghiệp nước này, đặc biệt là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ trụ vững trước các tác động tiêu cực của dịch virus Covid-19.
Nhiều quan chức BoJ hiện kỳ vọng đại dịch virus Covid-19 chỉ là nhất thời và nền kinh tế Nhật Bản sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2020 với kịch bản đại dịch virus Covid-19 sẽ được kiểm soát trong vài tháng tới. Khảo sát gần đây cho thấy niềm tin kinh doanh của khối dịch vụ tại Nhật Bản trong tháng 2/2020 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2011 – thời điểm sau 1 tháng kể từ xảy ra đại thảm hoạ kép sóng thần và động đất.