Dự báo giá thép tại Việt Nam có thể tăng 8% trong năm sau
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023, sản lượng tiêu thụ thép nội địa đạt 10,8 triệu tấn, giảm 27% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do sản lượng thép xây dựng (vốn chiếm 30% tổng sản lượng toàn ngành) đã giảm gần 26% khi thị trường bất động sản trầm lắng.
Theo thống kê của hãng nghiên cứu thị trường CBRE, nguồn cung bất động sản trong 9 tháng đầu năm 2023 tại TP.Hồ Chí Minh chỉ đạt 7.750 căn hộ và tại Hà Nội là 7.000 căn hộ, lần lượt giảm 60% và giảm 42% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn cung bất động sản sụt giảm khiến nhu cầu thép suy yếu, kéo theo đó là giá thép giảm mạnh về mức trung bình 14,1 triệu đồng/tấn, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện bộ phận nghiên cứu của hãng chứng khoán MB (MBS Research) nhận định giá thép trên thị trường Việt Nam sẽ đạt mức trung bình 13,9 triệu đồng trong cả năm nay, giảm 20% so với năm 2022.
Tuy nhiên, giá thép dự kiến sẽ tăng trở lại trong năm 2024, chủ yếu nhờ thị trường bất động sản hồi phục dần. CBRE hiện dự báo nguồn cung căn hộ ở Việt Nam sẽ được cải thiện đáng kể từ năm sau. Cụ thể, nguồn cung căn hộ tại Hà Nội dự kiến sẽ tăng hơn 33%, đạt 20.000 căn hộ và tại TP.Hồ Chí Minh sẽ tăng 31%, đạt khoảng 12.000 căn. Các dự án bất động sản được tái khởi động sẽ tác động tích cực đến nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng nội địa.
Trên thực tế, thị trường bất động sản đã ghi nhận một số điểm sáng khi nguồn cung căn hộ tại TP.Hồ Chí Minh trong quý 3/2023 tăng 187% so với quý 2/2023, đạt 3.600 căn hộ, theo dữ liệu của CBRE. Một số chủ đầu tư lớn như Tập đoàn Nam Long (mã cổ phiếu NLG) hay Vinhomes (mã cổ phiếu VHM) tiến hành mở bán phân khúc bình dân trong quý 3/2023 và ghi nhận tỷ lệ hấp thụ cao, đạt trên 65%.
Bên cạnh đó, các chính sách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường bất động sản của Chính phủ như Nghị định 33/NĐ-CP, Nghị định 10/2023/NĐ-CP đang dần phát huy tác dụng. Luật Đất đai sửa đổi dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét và thông qua vào phiên họp bất thường trong tháng 1/2024 với các quy định rõ ràng hơn về thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng sẽ khơi thông nguồn cung và góp phần giúp thị trường bất động sản phục hồi rõ rệt hơn.
Với các yếu tố trong nước trên và dự báo nhu cầu thép thế giới cũng sẽ tăng lên trong năm 2024, MBS Research dự báo giá thép xây dựng trong nước có thể tăng 8%, phục hồi về trên mức 15 triệu đồng/tấn trong năm 2024.
Về rủi ro nguyên liệu đầu vào tăng giá, từ đầu năm 2023, giá than và quặng sắt duy trì ổn định quanh mức lần lượt 300 USD/tấn (giảm 6% so với cùng kỳ) và 115 USD/tấn (tăng 3% so với cùng kỳ) nhờ nguồn cung ổn định. Từ tháng 9/2023, giá than và quặng sắt đã tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2022 sau thông tin Chính phủ Trung Quốc phát hành trái phiếu để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, MBS Research nhận định đà tăng giá nguyên vật liệu hiện nay có thể chỉ diễn ra trong ngắn hạn và sẽ hạ nhiệt trong năm 2024, chủ yếu do sản lượng thép tại Trung Quốc giảm. Hãng nghiên cứu thị trường S&P Global hiện dự báo nhu cầu thép tại Trung Quốc năm nay dự kiến giảm 1% so với năm 2022 và đi ngang trong năm 2024.
Theo dõi giá thép hàng ngày trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Lãi ròng của Tập đoàn Hoà Phát và Thép Nam Kim có thể tăng tới 70%
Với việc giá thép phục hồi, MBS Research nhận định biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp thép Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng từ mức trung bình 8% trong năm 2023 lên mức 13% trong năm 2024. Đồng thời, chi phí tài chính đối với các doanh nghiệp thép có thể giảm đáng kể khi áp lực tỷ giá và chi phí lãi vay hạ nhiệt. Nhờ vậy, lợi nhuận của các doanh nghiệp thép trong năm 2024 dự kiến tăng 40% so với năm 2023, theo MBS Research.
MBS Research hiện nhận định Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoà Phát (mã cổ phiếu HPG) và Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (mã cổ phiếu NKG) là hai doanh nghiệp thép niêm yết tiêu biểu sẽ hưởng lợi lớn từ sự phục hồi của ngành thép trong nước và thế giới trong năm 2024. Cụ thể:
Đối với Tập đoàn Hoà Phát, dự báo trong năm 2023, sản lượng tiêu thụ của tập đoàn này dự kiến đạt 6,3 triệu tấn thép xây dựng, thép cuộn cán nóng và phôi thép; và lãi ròng dự kiến đạt 6.337 tỷ đồng, lần lượt giảm 12% và 29% so với năm 2022.
Bước sang 2024, giá thép xây dựng và sản lượng bán hàng của Tập đoàn Hoà Phát dự kiến phục hồi lần lượt 8% và 7% so với năm 2023. Trong khi đó, giá nguyên liệu giảm nhẹ, giúp biên lợi nhuận gộp phục hồi về mức 12,8%. Đồng thời, diễn biến tỷ giá ổn định hơn giúp chi phí tài chính giảm 30%.
Do đó, lãi ròng của Tập đoàn Hoà Phát trong năm 2024 có thể tăng 70%, đạt gần 11.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, mức định giá P/B của cổ phiếu HPG đang ở dưới mức trung bình trong 2 chu kỳ gần nhất.
Đối với Thép Nam Kim, dự báo trong năm 2023, sản lượng tiêu thụ dự kiến đạt 854.878 tấn, giảm nhẹ 2,3% so với năm trước; và lãi ròng đạt 179 tỷ đồng, so với mức lỗ 126 tỷ đồng của năm trước.
Trong năm 2024, giá tôn mạ xuất khẩu dự kiến cải thiện lên mức 945USD/tấn (tăng 8% so với năm 2023) nhờ nhu cầu tại Mỹ và EU hồi phục. Bên cạnh đó, sản lượng xuất khẩu của Thép Nam Kim có thể tiếp tục tăng 5% khi nguồn cung thép tại EU vẫn bị thắt chặt bởi giá điện tăng.
Theo đó, biên lợi nhuận gộp của Thép Nam Kim có thể đạt khoảng 7% trong năm 2024. Bên cạnh đó, giá cước vận tải biển đã hạ nhiệt, có thể giúp chi phí vận chuyển của Thép Nam Kim trong năm 2024.
Do đó, lãi ròng của Thép Nam Kim trong năm 2024 có thể tăng 66%, đạt 555 tỷ đồng. Mức định giá P/B của cổ phiếu NKG hiện đang ở dưới trung bình trong 2 chu kì gần nhất.