Giá tiêu hôm nay 15/6: Lại giảm sốc, điều gì đang xảy ra với thị trường?

Sau khi bật tăng mạnh vào ngày hôm qua, giá tiêu hôm nay lại đột ngột giảm sâu. Các chuyên gia ngành hàng khuyến cáo người dân trồng tiêu cần cẩn trọng trước tình trạng găm giữ hàng đầu cơ.

Giá tiêu hôm nay ngày 15/6/2024 tại thị trường trong nước

Giá tiêu hôm nay Tạp chí Công Thương
Tham khảo giá tiêu hôm nay ngày 15/6/2024 tại thị trường trong nước. (Nguồn: Tạp chí Công Thương tổng hợp)

Giá tiêu hôm nay tại các vùng trồng trọng điểm trreen cả nước lại giảm mạnh từ 9.000 - 11.000 đồng/kg. Trong sáng nay, mặt bằng giá tiêu trên các nước chỉ còn quanh ngưỡng 156.000 đồng/kg.

Cụ thể, tại khu vực Tây Nguyên, giá tiêu hôm nay tại Đắk Lắk giảm 11.000 đồng/kg, còn 157.000 đồng/kg.

Giá tiêu hôm nay tại Gia Lai giảm 10.000 đồng/kg, còn 155.000 đồng/kg.

Giá tiêu hôm nay tại Đắk Nông giảm 11.000 đồng/kg, còn 157.000 đồng/kg.

Tại khu vực Đông Nam Bộ, giá tiêu hôm nay tại Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai cùng giảm 9.000 đồng/kg, còn 157.000 đồng/kg.

Giá tiêu hôm nay tại Bình Phước giảm 11.000 đồng/kg, còn 156.000 đồng/kg.

Lưu ý: Các giá trên chỉ mang tính chất tham khảo, mức giá thực tế sẽ có sự chênh lệch theo từng địa phương, phương thức vận chuyển, phương thức thanh toán, khối lượng giao dịch… Quý độc giả vui lòng liên hệ đến các doanh nghiệp, đại lý kinh doanh hồ tiêu gần nhất để được tư vấn cụ thể.

Chỉ trong 3 ngày trở lại đây, giá tiêu trong nước đã liên tục giảm và tăng mạnh đột ngột. Như Tạp chí Công Thương đã thông tin, đây là hệ quả từ tình trạng đầu cơ “quá nóng”. Đồng thời, việc giá tiêu tăng cao có thể kích hoạt một bộ phận người trồng tiêu, đại lý xả bán tiêu tồn trữ từ các niên vụ khác ra thị trường.

Ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch thường trực của Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (tỉnh Gia Lai), cho biết rằng tăng trưởng nhanh chóng của giá tiêu gần đây là kết quả của yếu tố đầu cơ. Hiện tại, với sự tăng giá trên thị trường thế giới, giá hồ tiêu nội địa vẫn thấp hơn, do đó nhiều đại lý nhỏ lẻ đang tận dụng cơ hội này để găm giữ hàng và đẩy giá lên.

Sự khan hiếm về nguồn cung cùng với nhu cầu thị trường gia tăng đã thúc đẩy giá hồ tiêu tăng trở lại. Một số đại lý và người dân trồng tiêu cho rằng việc Trung Quốc tái xuất hiện trên thị trường mua hàng cũng là một yếu tố đẩy giá mạnh mẽ.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), xuất khẩu sang Trung Quốc đã phục hồi mạnh mẽ trong tháng 5 với 3.137 tấn, tăng 381,9% so với tháng 4, nhưng giảm 69,4% so với cùng kỳ năm trước. Tổng cộng, trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu hồ tiêu sang Trung Quốc chỉ đạt 4.871 tấn, giảm 89,4% so với cùng kỳ năm trước.

Theo VPSA, nhu cầu nhập khẩu hồ tiêu của Trung Quốc trong những tháng đầu năm vẫn ở mức thấp do tồn kho từ năm trước vẫn còn. Tuy nhiên, có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ tham gia vào thị trường, bắt đầu bằng việc nhập khẩu tiêu trắng và sau đó là tiêu đen.

Mặc dù vậy bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch VPSA lưu ý rằng thị trường Trung Quốc vẫn mới chỉ bắt đầu tham gia lại và chưa mua hàng một cách lớn. Khả năng cao là cả người dân trồng tiêu cũng tham gia vào đầu cơ.

"Bắt đầu từ cuối tháng 5/2024, giá tiêu ở mức khoảng 140.000 đồng/kg. Tuy nhiên, chỉ trong 10 ngày đầu tiên của tháng 6/2024, giá tiêu đã tăng hơn 20.000 đồng/kg, đến mức 164.000 đồng/kg", Chủ tịch VPSA nói.

Xem thêm: "Giá tiêu hôm nay 13/6: Vì sao giá đột ngột “bốc hơi” hơn 20.000 đồng/kg?" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Bà Hoàng Thị Liên đánh giá rằng tâm lý chung của người trồng hồ tiêu là vui mừng với việc giá cao và mong muốn thêm tăng giá. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp, việc điều chỉnh giá nhập vào và giá bán ra là cực kỳ quan trọng để tránh rủi ro về giá. Nếu giá hồ tiêu nội địa tăng, các doanh nghiệp cần điều chỉnh giá xuất khẩu tương ứng. Nếu không, họ sẽ phải đối mặt với rủi ro về uy tín và đơn hàng.

Do đó, các chuyên gia ngành hàng đánh giá việc giá tiêu điều chỉnh giảm là điều cần thiết để “cân bằng” lại thị trường. Tuy nhiên, mặt bằng giá khó có thể giảm sâu khi giá tiêu đã bước vào chu kỳ tăng giá mới trong bối cảnh nguồn cung tiêu trên toàn cầu xuống thấp nhưng nhu cầu đang tăng trở lại.

"Nhìn lại lịch sử thị trường hồ tiêu đã trải qua nhiều chu kỳ lên xuống giá, chu kỳ lên giá của hồ tiêu thường kéo dài từ 8 - 10 năm và dự báo giá sẽ lên tới đỉnh và sẽ cao hơn của chu kỳ trước", ông Hoàng Phước Bính nhận định.

Đồng quan điểm như trên, bà Hoàng Thị Liên nhận định thị trường hồ tiêu đang bước vào chu kỳ tăng giá mới, bù lại cho những năm giá xuống quá thấp (2019 và 2020) khiến nông dân thu hẹp diện tích trồng.

Với tình hình hiện tại, sản lượng hạt tiêu toàn cầu chưa thể đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng vẫn đang có xu hướng tăng lên trong 3 - 5 năm tới, theo Chủ tịch VPSA.

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, trong chu kỳ tăng giá lần này, giá có thể lên tới 350.000 - 400.000 đồng/kg. Đây là những mức giá cao chưa từng có trong lịch sử. Tuy nhiên, giá sẽ có rung lắc nhưng trong dài hạn vẫn sẽ theo đà tăng, ông Hoàng Phước Bính đánh giá.

Bên cạnh đó, các chuyên gia ngành hàng cũng khuyến cáo bà con nông dân không nên ồ ạt mở rộng diện tích trồng hồ tiêu, mà tập trung đầu tư, chăm sóc theo hướng thâm canh để cây hồ tiêu phát triển bền vững và ổn định.

Theo dõi giá tiêu được cập nhật hàng ngày trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Giá tiêu hôm nay ngày 15/6/2024 tại thị trường thế giới

Giá tiêu hôm nay Tạp chí Công Thương
(Nguồn: Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế)

Trên thị trường thế giới, theo dữ liệu của Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC), giá tiêu các loại trong ngày 14/6 (theo giờ địa phương) được giữ tương đối ổn định, chỉ ghi nhận sự điều chỉnh giảm đối với giá tiêu của Indonesia và Brazil

Cụ thể, giá tiêu đen Lampung của Indonesia giảm 0,53% đạt 6.418 USD/tấn; giá tiêu trắng Muntok cũng giảm 0,54% đạt 8.377 USD/tấn.

Giá tiêu đen ASTA 570 của Brazil giảm 4,82% còn 7.900 USD/tấn.

Giá tiêu Kuching ASTA của Malaysia giữ nguyên ở mức 4.900 USD/tấn; giá tiêu trắng ASTA đạt 7.300 USD/tấn.

Giá tiêu đen của Việt Nam loại 500 gr/l đạt 7.800 USD/tấn; loại 550 gr/l tăng đạt 8.000 USD/tấn. Trong khi đó, giá tiêu trắng giữ ổn định ở mức 12.000 USD/tấn.

Tường Vy