Kể từ khi dịch tả lợn châu Phi chính thức bùng phát lần đầu tại Việt Nam vào đầu năm 2019, dịch bệnh đã lan rông nhanh chóng, gây ảnh hưởng nặng nề đến ngành chăn nuôi. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, thiếu vaccine đặc trị, ngành chăn nuôi đối mặt với mức thua lỗ cao và kéo dài.
Tuy nhiên, theo đánh giá mới đây của hãng Chứng khoán Maybank, ngành chăn nuôi heo trong nước đang trải qua những thay đổi đáng kể, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp chăn nuôi trong nước. Triển vọng tăng trưởng của ngành đang được củng cố khi mô hình chăn nuôi quy mô lớn theo hình thức công nghiệp dần thay thế mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình trở thành nhân tố chủ đạo trên thị trường.
Đặc biệt, theo các quy định mới của Luật Chăn nuôi, từ ngày 1/1/2025, các cơ sở chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, và khu dân cư sẽ buộc phải di dời.
Các chuyên gia đánh giá, việc chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán đã không còn phù hợp, nhất là trong điều kiện có nhiều dịch bệnh và tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường ngày càng đòi hỏi cao hơn. Vì vậy việc di dời các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư là xu thế tất yếu. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam hình thành một nền chăn nuôi lớn, hiện đại, có thể tham gia nhiều hơn vào chuỗi sản xuất thực phẩm của thế giới.
Bên cạnh đó, Luật Chăn nuôi cũng đưa ra khái niệm về đơn vị vật nuôi, mật độ nuôi. Đây là những khái niệm mới, phù hợp với thông lệ quốc tế, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động chăn nuôi, giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch bệnh và các tác động đến môi trường xung quanh.
Môi trường pháp lý này tạo điều kiện thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp hoá, phù hợp với các doanh nghiệp theo mô hình sản xuất an toàn khép kín 3F (Feed, Farm, Food), từ thức ăn chăn nuôi đến quá trình chăn nuôi và chế biến thực phẩm.
Theo đánh giá của Chứng khoán Maybank, các hộ nông dân nhỏ lẻ rời khỏi thị trường do chi phí cao liên quan đến các quy trì an toàn sinh học liên quan để phòng chống các dịch bệnh và biến động giá.
Sau các đợt bùng phát dịch tả heo châu Phi vừa qua, số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã giảm mạnh 50% từ mức 4 triệu hộ vào năm 2021 xuống còn 2 triệu hộ vào đầu năm 2023. Hiện nguồn cung heo hơi từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ước tính chiếm khoảng 49% tổng nguồn cung toàn thị trường. Dự kiến tỷ lệ này sẽ tiếp tục giảm về mức 35% vào năm 2030, theo Chứng khoán Maybank.
Quá trình hợp nhất hiện nay trong ngành chăn nuôi heo đang mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp chăn nuôi chế biến niêm yết như Masan Meatlife (mã cổ phiếu MML), Tập đoàn Dabaco (mã cổ phiếu DBC), và BAF Việt Nam (mã cổ phiếu BAF). Đây là những doanh nghiệp liên tục gia tăng đầu tư mở rông quy mô chăn nuôi, chế biến thời gian vừa qua, và có vị thế tốt nhờ khép kín chuỗi giá trị, Chứng khoán Maybank nhận định.
Trong năm nay, cả Tập đoàn Dabaco lẫn BaF Việt Nam đều đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận đầy tham vọng cho năm 2024, với mức tăng lần lượt là 29 lần và 10 lần so với năm 2023. Điều này tương đương với mức P/E cho năm 2024 là 12 lần và 18 lần, sau khi giá cổ phiếu tăng lần lượt là 31% và 29% từ đầu năm đến nay.
Theo đà tăng của giá heo hơi trong những tháng đầu năm, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp này đều được cải thiện mạnh mẽ. Trong đó, lãi ròng quý 1/2024 của Tập đoàn Dabaco đạt 73 tỷ đồng, so với mức lỗ 321 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2023. Về phía BaF Việt Nam, doanh nghiệp này ghi nhận mức lãi ròng tăng gấp 38 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Một yếu tố hỗ trợ khác hỗ trợ triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp chăn nuôi là giá ngũ cốc, vốn chiếm phần lớn trong chi phí chăn nuôi, đã giảm đáng kể. Thị trường ngô và đậu tương trên toàn cầu dự kiến sẽ rơi vào trạng thái dư cung trong năm nay, giúp giá ngũ cốc neo ở mức thấp.
Ngoài ra, đối với Tập đoàn Dabaco, Chứng khoán Maybank nhận định triển vọng kinh doanh còn đến từ việc tham gia sản xuất vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tính đến hết quý 1/2024, tập đoàn này đã tiêm thử vaccine thành công cho gần 90 nghìn con trong đàn heo của mình và các trang trại liên kết, mang lại kết quả tích cực về sức khỏe và phát triển.
Việc thử nghiệm vaccine dự kiến hoàn thành và chính thức được chấp thuận vào đầu quý 3/2024. Ngoài ra, cơ sở sản xuất vắc xin của DBC, với công suất 200 triệu liều mỗi năm, đã bước vào giai đoạn thử nghiệm nghiệm thu và dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động đóng góp từ năm nay.