Sau khi giảm đồng loạt 500 đồng/kg tại thị trường nội địa, giá tiêu trong nước đang dao dộng trong khoảng 69.500 - 72.000 đồng/kg. Trong đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Phước lần lượt giảm về mức 72.000 đồng/kg và 71.500 đồng/kg. Tỉnh Gia Lai hiện có giá thu mua thấp nhất trong các địa phương được khảo sát, ở mức 69.500 đồng/kg.
Tại thị trường quốc tế, theo số liệu của Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC), giá tiêu ngày 23/6 quay đầu giảm so với ngày 22/6.
Đối với dòng tiêu đen, giá tiêu đen Lampung (Indonesia) giảm 0,54% về mức 3.735 USD/tấn. Tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA dẫn đầu thị trường ở mức 4.900 USD/tấn. Tiêu đen Việt Nam loại 550g/l và 500g/l duy trì mức giá ổn định, lần lượt đạt 3.600 USD/tấn và 3.500 USD/tấn. Tương tự, tiêu đen Brazil ASTA 570 không ghi nhận biến động mới, đạt mức 2.950 USD/tấn.
Đối với dòng tiêu trắng, giá tiêu trắng Muntok giảm 0,54% về mức 6.168 USD/tấn. Tiêu trắng Malaysia ASTA và giá tiêu trắng Việt Nam duy trì ở mức 7.300 USD/tấn và 5.000 USD/tấn.
Việt Nam hiện đã vươn lên là quốc gia số 1 thế giới về sản xuất và xuất khẩu tiêu, chiếm đến 40% sản lượng và chiếm 60% thị phần tiêu toàn cầu, giữ vị thế số 1 thế giới về sản xuất và xuất khẩu.
Năm 2022, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt 228,7 nghìn tấn, giảm 12,4% về lượng so với năm 2021, nhưng nhờ giá trị xuất khẩu bình quân tăng từ 3.593 USD/tấn lên 4.257 USD/tấn (tương ứng tăng 18,5%) nên tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 3,5% so với năm 2021.
Dù vậy, các chuyên gia đánh giá, năng lực chế biến tiêu của các doanh nghiệp Việt Nam còn rất lớn. Mỗi năm các doanh nghiệp có thể xử lý lên tới trên 140.000 tấn, trong khi sản lượng tiêu trong nước còn thấp. Do đó, ngoài việc tham gia vào khâu chế biến sản phẩm trong nước, ngành tiêu có thể chế biến cho những nước xuất khẩu tiêu có công nghệ chế biến chưa phát triển như Indonesia, Campuchia, Brazil, …