Theo khảo sát, giá tiêu hôm nay tại các vùng trồng trọng điểm trong nước không có sự thay đổi so với hôm qua, dao động trong khoảng 68.500 - 71.500 đồng/kg.
Cụ thể, tại khu vực Tây Nguyên, giá tiêu duy trì ổn định quanh mốc 68.500 – 69.500 đồng/kg. Trong đó, tại Gia Lai, thương lái thu mua hồ tiêu ở mức 68.500 đồng/kg. Giá tiêu tại các tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông đạt 69.500 đồng/kg.
Tương tự, giá tiêu tại khu vực Đông Nam bộ không có sự biến động. Trong đó, tại tỉnh Bình Phước, giá tiêu đứng ở mức 70.500 đồng/kg. Tại Đồng Nai, giá tiêu dao động quanh mốc 70.000 đồng/kg còn tại Bà Rịa - Vũng Tàu là 71.500 đồng/kg.
Thị trường tiêu trong nước tuần này tương đối ảm đạm trong bối cảnh xuất khẩu tháng 6/2023 giảm tốc, trong đó, giảm nhiều nhất là từ thị trường Trung Quốc.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), vụ thu hoạch hồ tiêu năm 2023 của Việt Nam đã cơ bản kết thúc với sản lượng ước đạt khoảng gần 200.000 tấn, tăng 9,3% so với năm 2022.
Giá tiêu trong nước sau khi tăng mạnh lên mức đỉnh 73.000 – 76.5000 đồng/kg trong tuần thứ ba của tháng 5, hiện đã giảm xuống còn 68.500 - 71.500 đồng/kg. Lượng xuất khẩu sang Trung Quốc tăng đột biến vào tháng 3 và tháng 4 là một trong những nguyên nhân chính làm cho giá hồ tiêu tăng.
Nhưng mức giá này gây phản ứng dè dặt, giảm đơn hàng từ các nhà nhập khẩu từ châu Âu và Hoa Kỳ khi họ kỳ vọng nguồn cung từ Indonesia vào tháng 7 tới sẽ giúp thị trường hạ nhiệt. Bên cạnh đó, lượng hàng tồn từ các năm trước cũng giúp cho các nhà mua từ châu Âu và Hoa Kỳ lưỡng lự chưa vội tham gia thị trường.
Thời tiết nắng nóng trong thời gian vừa qua dự báo sẽ tác động tiêu cực đến vụ mùa hồ tiêu năm tới, đặc biệt là vấn đề nước tưới. Theo dự báo của các cơ quan khí tượng, hiện tượng El Nino có thể sẽ xuất hiện vào nửa cuối mùa hè năm 2023 và nếu kéo dài cho đến năm 2024 sẽ càng làm cho việc duy trì vườn tiêu gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến vụ mùa 2024.
Trên thị trường thế giới, theo số liệu từ Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) ngày 27/6 (theo giờ địa phương), giá tiêu thế giới so với ngày 26/6 như sau:
Giá tiêu đen Lampung (Indonesia): ở mức 3.734 USD/tấn, tăng 0,16%, tương ứng tăng 6 USD/tấn;
Giá tiêu trắng Muntok: ở mức 6.167 USD/tấn, tăng 0,18%, tương ứng tăng 11 USD/tấn;
Giá tiêu đen Brazil ASTA 570: ở mức 3.200 USD/tấn, không đổi;
Giá tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA: ở mức 4.900 USD/tấn, không đổi
Giá tiêu trắng Malaysia ASTA: ở mức 7.300 USD/tấn, không đổi;
Giá tiêu đen Việt Nam giao dịch ở mức 3.500 USD/tấn với loại 500 g/l, ở mức 3.600 USD/tấn với loại 550 g/l mức. Giá tiêu trắng Việt Nam hiện ở mức 5.000 USD/tấn.
Giá tiêu Indonesia hồi phục nhẹ, một phần do đồng USD đang suy yếu.
Theo báo cáo của Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC), sản lượng hồ tiêu toàn cầu năm 2022 ước đạt 537.000 tấn, giảm 2% so với năm 2021. Trong đó, Indonesia ghi nhận sự sụt giảm sản lượng cao nhất trong năm 2022, với mức giảm khoảng 22% so với năm 2021. Sản lượng hồ tiêu của Ấn Độ năm 2022 tăng 8% so với năm 2021.
IPC dự báo sản lượng hồ tiêu toàn cầu năm 2023 tiếp tục giảm khoảng 1% so với năm 2022, đạt khoảng 531.000 tấn. Trong đó, sản lượng tại Indonesia tiếp tục giảm 15% trong năm 2023, kéo theo đó là sự sụt giảm về lượng tiêu xuất khẩu. Sự sụt giảm này có thể khiến thị thần hồ tiêu của Indonesia trên thế giới sẽ giảm từ 12% trong năm 2022 xuống còn 10% trong năm 2023.
Sản lượng hồ tiêu của Brazil năm 2023 được dự báo giảm 8% so với năm 2022, đạt khoảng 106.000 tấn, chiếm 21% tổng sản lượng tiêu toàn cầu. Sản lượng của Ấn Độ trong năm nay cũng dự kiến sẽ giảm 9%, xuống còn khoảng 64.000 tấn.