Chính phủ Hà Lan vừa cho biết sẽ mỏ khí đốt Groningen tại miền Bắc nước này sẽ vẫn hoạt động thêm một năm nữa trong trường hợp mùa Đông lạnh và thiếu khí đốt, nhưng sau đó sẽ đóng cửa vĩnh viễn từ ngày 1/10/2024.
Mỏ Groningen là một trong 10 mỏ khí lớn nhất thế giới và từng đáp ứng đến 10% tổng nhu cầu sử dụng khí hàng năm của châu Âu. Tính đến thời điểm năm 2019, 98% người dân Hà Lan là sử dụng khí đốt từ mỏ này.
Mỏ khí đốt này được Hà Lan đưa vào khai thác kể từ năm 1965, ước tính Chính phủ Hà Lan đã thu được khoảng 360 tỷ EUR từ việc khai thác khí đốt tại mỏ này. Tuy nhiên, trong gần 10 năm nay, Hà Lan đã giảm khai thác khí do cư dân địa phương liên tục phản đối hoạt động khoan thăm dò và khai thác các bể khí gây ra các vấn đề địa chấn.
Quốc vụ khanh phụ trách khai mỏ của Hà Lan, ông Hans Vijlbrief, nhận định việc đóng cửa mỏ Groningen là quyết định được đưa ra vào "thời điểm quan trọng" sau nhiều thập niên khai thác khí đốt. Ông cho biết các hoạt động địa chấn có thể sẽ vẫn xảy ra trong nhiều năm tới, nhưng căn nguyên gây ra những hoạt động này sẽ chính thức bị loại bỏ kể từ tháng 10 tới.
Cách đây 5 năm, Hà Lan lần đầu tiên tuyên bố sẽ đóng cửa mỏ Groningen chậm nhất vào năm 2030 do các hoạt động địa chấn trong khu vực xảy ra ngày càng nghiêm trọng, làm hư hại nhà cửa và gây quan ngại trong cộng đồng người địa phương.
Mặc dù việc khai thác khí đốt tại mỏ này gần như đã giảm trong vài năm qua, nhưng Chính phủ Hà Lan vẫn duy trì hoạt động của địa điểm này để ứng phó với nguy cơ khủng hoảng năng lượng toàn cầu do tác động của cuộc xung đột tại Ukraine kể từ tháng 2/2022.
Trong tuần trước, giá khí đốt tại châu Âu đã bất ngờ tăng vọt 60%, lên trên 40 EUR/megawatt (MW), một phần do các đồn đoán về việc Hà Lan sẽ đóng cửa sớm mỏ Groningen vào tháng 10/2023. Điều này khiến thị trường lo ngại nguồn cung khí đốt tại châu Âu sẽ bị thắt chặt, đặc biệt là khi các nhà máy khí đốt tại Na Uy vẫn đang phải tạm ngưng hoạt động để bảo dưỡng.
Giá khí đốt giao tương lại khu vực châu Âu đã giảm về khoảng 32,5 EUR/MW vào cuối tuần trước. Tuy nhiên, mức giá này vẫn đang cao hơn khoảng 20% so với hồi cuối tháng 5 vừa qua. Giới quan sát nhận định sự tăng giá bất thường của khí đốt cho thấy thị trường châu Âu hiện nay “rất nhạy cảm” với bất kỳ sự gián đoạn nguồn cung năng lượng.
Hiện các kho dự trữ khí đốt tại châu Âu đang ở mức 73% - cao hơn đáng kể so với mức 56% của trung bình 5 năm gần đây. Liên minh châu Âu đặt mục tiêu sẽ nâng mức dự trữ lên 90% vào ngày 1/11 tới đây để chuẩn bị cho mùa Đông.