Giá xăng dầu thế giới trong tuần vừa qua đã có sự biến động mạnh. Cụ thể, chốt phiên giao dịch cuối tuần này, giá dầu thô Brent giảm 0,4% xuống mức 73,85 USD/tấn và giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giảm 0,5% xuống còn 69,16 USD/thùng, xác lập phiên giảm giá thứ hai liên tiếp.
Trước đó, trong phiên giao dịch hôm thứ 5 (22/6), giá dầu thô lao dốc, mất khoảng 3 USD/thùng, khi thị trường lo ngại việc nhiều ngân hàng trung ương tại châu Âu đồng loạt tiếp tục nâng lãi suất điều hành sẽ khiến các nền kinh tế đối mặt cao với rủi ro suy thoái, kéo theo đó là sự sụt giảm về triển vọng giá xăng dầu thời gian tới.
Tính chung cả tuần này, giá dầu thô thế giới đã giảm hơn 3,5%; xoá sạch đà tăng ghi nhận được nhờ các tin tức hỗ trợ tích cực hồi đầu tuần. Giới quan sát nhận định thị trường hiện bị chi phối mạnh bởi các lo ngại nhu cầu sử dụng xăng dầu trên toàn cầu sẽ suy yếu trong thời gian tới.
Giới đầu tư trở nên lo ngại hơn sau khi bà Mary Daly - Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) tại San Francisco cho biết việc FED tăng lãi suất thêm 2 lần nữa trong nửa cuối năm nay là “điều hợp lý”. Trước đó, Chủ tịch FED ông Jerome Powell đã phát tín hiệu cho biết mặc dù FED tạm dừng tăng lãi suất trong tháng 6 này nhưng vẫn có thể tiếp tục tăng lãi suất thêm 2 lần nữa với mức tăng 0,25 điểm cơ bản/lần trong nửa cuối năm nay.
Hành động này của FED sẽ đưa mặt bằng lãi suất tại Hoa Kỳ lên mức cao kỷ lục, khiến giới đầu tư càng lo ngại nguy cơ nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào suy thoái. Đồng thời, việc lãi suất tăng cao sẽ giúp đồng USD mạnh lên, khiến các loại hàng hóa được định giá bằng đồng tiền này như dầu thô trở nên đắt đỏ hơn đối với các nhà đầu tư đang nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Giá xăng dầu thế giới còn chịu áp lực giảm khi Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 6/2023 của Hoa Kỳ do S&P Global đo lường chỉ đạt 53 điểm - mức thấp nhất kể từ hồi tháng 3 đến nay. Qua đó, cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh tại Hoa Kỳ đã bị thu hẹp phần nào.
Đáng chú ý, dữ liệu cho thấy hoạt động kinh doanh khối ngành dịch vụ tại Hoa Kỳ lần đầu tiên suy yếu trong năm nay. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến triển vọng nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại Hoa Kỳ thời gian tới.
Tuy nhiên, đà giảm của giá xăng dầu thế giới được kìm hãm một phần khi dữ liệu cho thấy số lượng giàn khoan khai thác dầu tại Hoa Kỳ tuần này tiếp tục giảm tuần thứ 8 liên tiếp, giảm thêm 6 giàn, xuống chỉ còn 546 giàn - mức thấp nhất kể từ tháng 4/2022. Đồng thời, lượng tồn trữ xăng dầu tại Hoa Kỳ trong tuần trước đã giảm mạnh hơn so với mức dự báo của giới phân tích.
Hiện giới đầu tư tập trung chờ đợi các dữ liệu mới về nền kinh tế Trung Quốc - dự kiến được công bố trong tuần sau. Các dữ liệu này giúp thị trường đánh giá sâu hơn về triển vọng nhu cầu xăng dầu thời gian tới của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Tại thị trường trong nước, giá xăng dầu đã được điều chỉnh theo biến động của thế giới. Cụ thể, giá dầu diesel 0.05S tăng 146 đồng/lít, ở mức không cao hơn 18.174 đồng/lít; giá dầu hoả tăng 133 đồng/lít, ở mức không cao hơn 17.956 đồng/lít. Trong khi đó, giá xăng E5RON92 và giá xăng RON95-III được giữ nguyên, lần lượt ở mức không cao hơn 20.878 đồng/lít và không cao hơn 22.015 đồng/lít.