Giá trị của tác phẩm “Lời kêu gọi nhân ngày 27/7/1948” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

“Lời kêu gọi nhân ngày 27/7 - 1948” (viết tắt là Lời kêu gọi) được viết nhân dịp kỷ niệm 1 năm ngày Thương binh toàn quốc.

Nếu gõ từ “lời kêu gọi” vào thanh công cụ tìm kiếm của Google, bạn sẽ nhận được một kết quả rất thú vị. Ba trang đầu tiên không có tác giả nào xuất hiện ngoài Chủ tịch Hồ Chí Minh (đăng nhập lúc 11h ngày 10/7/2023). Từ trang thứ tư cho đến trang thứ mười ba điểm xuyết một, hai tác giả khác. Nhưng về cơ bản vẫn là những lời kêu gọi của Bác hoặc những bài viết về các lời kêu gọi của Bác.

Kết quả này cho thấy Hồ Chủ tịch là người đưa ra nhiều lời kêu gọi nhất trong số các vị lãnh đạo của Việt Nam từ khi có chữ quốc ngữ đến nay. Bác ra lời kêu gọi ở nhiều hoàn cảnh khác nhau trong thời kỳ kháng chiến cứu quốc và xây dựng đất nước; cho nhiều địa bàn từ nông thôn đến thành thị; cho nhiều đối tượng từ cụ già đến trẻ nhỏ, từ đàn ông đến đàn bà, từ viên chức đến công chức, từ tướng sĩ đến binh lính, từ nhân dân đến kiều bào, …

Khảo sát Hồ Chí Minh Toàn tập có thể thấy Bác viết lời kêu gọi từ những năm 1922 (Lời kêu gọi của Ban Nghiên cứu thuộc địa của Đảng Cộng sản Pháp viết 1/1922) cho đến những ngày cuối đời (Kêu gọi nhân ngày 20 tháng 7 viết và đăng báo Nhân dân số 5575 ngày 20/7/1969), với khoảng 120 lời kêu gọi. Theo quan điểm của Mai Đức Ngọc (2016), Lời kêu gọi là một trong 23 thể loại văn bản của Đảng. Tác giả này định nghĩa lời kêu gọi là “văn bản dùng để yêu cầu hoặc động viên mọi người thực hiện một nhiệm vụ hoặc hưởng ứng một chủ trương có ý nghĩa chính trị”.

Trong bối cảnh đất nước bị xâm lăng, trình độ dân trí thấp, thiên tai thường xuyên đe doạ, việc giao nhiệm vụ và động viên, khích lệ của người đứng đầu đất nước đối với các nhóm xã hội cũng như toàn thể nhân dân là việc làm vô cùng cần thiết nên Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng thể loại này với tần suất lớn là thích hợp.

Đặc trưng của lời kêu gọi là tính tập trung cao về nội dung; rõ ràng về nhiệm vụ, đối tượng; đậm đặc về tính cổ vũ, động viên.  Một trong những số đó là tác phẩm “Lời kêu gọi nhân ngày 27 -  7 -  1948”. Bài viết này muốn phân tích giá trị của tác phẩm ấy để thấy được tinh thần nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

“Lời kêu gọi nhân ngày 27/7 -  1948” (viết tắt là Lời kêu gọi) được viết nhân dịp kỷ niệm 1 năm ngày Thương binh toàn quốc.

Đối tượng của Lời kêu gọi thể hiện rõ ngay sau tiêu đề tác phẩm: “Cùng toàn thể đồng bào! Anh em thương binh và gia đình tử sĩ!” Bác đã chọn cách tiếp cận từ toàn thể đến bộ phận, từ nhóm lớn đến nhóm nhỏ. Lời kêu gọi này trước hết dành cho toàn thể đồng bào, sau đó là nhóm thương binh và gia đình tử sĩ.

Lời kêu gọi gồm những nội dung sau:

  1. Lý do phải ra lời kêu gọi
  2. Nội dung kêu gọi

Bài viết gồm 18 đoạn văn, chỉ có 4 đoạn chứa nội dung kêu gọi, 14 đoạn chứa lý do phải ra lời kêu gọi. Lý do phải ra lời kêu gọi được trình bày hiển ngôn: “Thương binh và tử sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc, đã hy sinh cho đồng bào. Để báo đáp công ơn đó, Chính phủ đang tìm mọi cách để giúp đỡ anh em thương binh và gia đình tử sĩ.” Có thể suy luận, việc Bác viết Lời kêu gọi này cũng là một cách của Chính phủ trong việc huy động sự tham gia của toàn xã hội giúp đỡ thương binh và gia đình liệt sĩ. Để tăng tính thuyết phục cho lời kêu gọi, Bác đã chỉ ra:

- Lý do thanh niên bị biến thành thương binh và tử sĩ

- Công lao của thương binh và tử sĩ

- Mất mát của các gia đình thương binh và tử sĩ

Lý do bao trùm nhất khiến thanh niên bị biến thành thương binh và tử sĩ là khi đất nước bị xâm lăng, thanh niên “dũng cảm xông ra mặt trận”. Và như vậy, “… có người đã bỏ lại một phần thân thể ở trước mặt trận. Có người đã bỏ mình ở chiến trường. Đó là thương binh, đó là tử sĩ.” Đây cũng chính là cách định nghĩa về thương binh và liệt sĩ dễ hiểu, chính xác, ngắn gọn, thấu tình, đạt lý theo đúng phong cách Hồ Chí Minh.

Ngay sau khi luận giải lý do khiến thanh niên biến thành thương binh, liệt sĩ, Bác chỉ ra những hy sinh của họ: “Họ quyết đem xương máu của họ đắp thành một bức tường đồng, một con đê vững, để ngăn cản nạn ngoại xâm tràn ngập Tổ quốc, làm hại đồng bào. Họ quyết hy sinh tính mệnh của họ, để giữ gìn tính mệnh của đồng bào. Họ hy sinh gia đình và tài sản họ, để bảo vệ gia đình và tài sản của đồng bào. Họ quyết liều chết chống địch, để cho Tổ quốc và đồng bào sống.” Với những hy sinh như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mạnh mẽ khẳng định: “Họ là những chiến sĩ anh dũng của ta.” Nỗi đau và sự mất mát của các gia đình đã được Bác viết chi tiết: “Cách mấy ngày trước, họ là những thanh niên lành mạnh, vui vẻ, oanh liệt. Trải qua những ngày ăn gió nằm sương, những trận mưa bom bão đạn, họ bị tay què chân cụt, họ hoá ra thương binh. Họ đã hy sinh cho ai? Cách mấy ngày trước, bố mẹ họ nhận được tin tức, đang mong cho đến ngày kháng chiến thắng lợi, độc lập thành công, họ sẽ trở lại quê hương, một nhà đoàn tụ.

Ngày nay, bố mẹ họ đã mất một người con yêu quý. Vợ trẻ thơ trở nên bà hoá. Con dại trở nên bồ côi. Trên bàn thờ gia đình thêm một linh bài tử sĩ. Họ đã hy sinh cho ai?” Đây cũng chính là cách xác định thế nào là thương binh và liệt sĩ dễ hiểu, chính xác, ngắn gọn, thấu tình, đạt lý theo đúng phong cách Hồ Chí Minh. Cùng với việc nêu ra định nghĩa về thương binh, liệt sĩ; sự hy sinh mất mát của thương binh và gia đình tử sĩ, Bác cũng đã chỉ ra sự khốc liệt của chiến tranh, lên án chiến tranh, lên án tội ác của kẻ xâm lăng.

Với những mất mát và hy sinh lớn lao cho đồng bào, Tổ quốc như vậy nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ kêu gọi đồng bào đền đáp với nội dung rất ngắn gọn, giản dị, nhẹ nhàng, không đao to búa lớn nhưng bao trùm, toàn diện: “Tôi cũng mong đồng bào sẵn lòng giúp đỡ họ về vật chất và tinh thần. Từ trước đồng bào đã giúp đỡ nhiều. Nhưng tay chân tàn phế của thương binh sẽ không mọc lại được. Và những tử sĩ sẽ không thể tái sinh. Mà lòng bác ái của đồng bào cũng không có hạn. Vì vậy, tôi mong và chắc rằng: đồng bào trước đã giúp đỡ, sau này sẽ sẵn sàng giúp đỡ mãi.”

Có thể nói, tác phẩm này là lời kêu gọi. Khuôn mẫu tư duy thường cho rằng lời kêu gọi sẽ khô cứng. Nhưng đọc tác phẩm này hay những lời kêu gọi khác của Hồ Chủ tịch sẽ không gây cho người đọc cảm giác đó. Có lẽ văn của Hồ Chủ tịch không như vậy. Một trong những lý do khiến lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch không khô cứng, giáo điều là do Người sử dụng nhiều và linh hoạt các biện pháp nghệ thuật tu từ. Có thể kể đến các biện pháp nhệ thuật được sử dụng trong tác phẩm này gồm: ẩn dụ, so sánh, lặp, đối.

Ngay đoạn văn đầu, Hồ Chủ tịch đã làm cho người tiếp nhận ngỡ ngàng với lối nói ẩn dụ giàu hình ảnh: “Khi nạn ngoại xâm ào ạt đến, nó đến như một trận lụt to. Nó đe doạ tràn ngập cả non sông Tổ quốc. Nó đe doạ cuốn trôi cả tính mệnh tài sản, chìm đắm cả bố, mẹ, vợ, con, dân ta.” Hay như những đoạn văn khác: “cơn nguy hiểm, xông ra mặt trận, bức tường đồng, con đê vữngăn gió nằm sương, … mưa bom bão đạn”,  “Nhưng tay chân tàn phế của thương binh sẽ không mọc lại được.” Ào ạt thường để mô tả sức mạnh của trận gió to, mưa lớn nhưng trong trường hợp này Bác mượn sức mạnh ấy để gán cho sức tàn phá của giặc ngoại xâm. Không dừng lại đó, Bác còn so sánh nạn ngoại xâm như một trận lụt to để đồng bào liên tưởng ngay đến hậu quả của lụt. Việt Nam là đất nước thường xuyên phải chống chọi với thiên tai nên rất biết hậu quả của lũ lụt. Bác dùng hiện tượng tự nhiên quen thuộc ấy để so sánh khiến nhân dân hiểu ngay vấn đề. Những tổ hợp mới lạ như “ăn gió nằm sương, … mưa bom bão đạn” giúp khắc hoạ sự khốc liệt của chiến tranh nhưng đồng thời giúp cho nhân dân hiểu thêm về sự hy sinh của các chiến sĩ ngoài mặt trận. Thủ pháp ẩn dụ được dùng đã tạo ra những tổ hợp từ mới lạ, khiến người đọc, người nghe phải trầm trồ, giúp cho lời kêu gọi không còn khô cứng, khuôn mẫu.

Bên cạnh ẩn dụ, biện pháp lặp cũng đã được Bác dùng nhiều trong tác phẩm này. Lặp được dùng ở cả ba cấp độ: từ, cụm từ và câu.

“Thương binh” và ‘tử sĩ” mỗi từ đều được dùng 8 lần trong bài viết, “đồng bào” xuất hiện 11 lần, “hy sinh” 6 lần, “Tổ quốc” 4 lần, và còn nhiều từ khác được lặp lại.

Cụm từ cũng có tần suất lặp cao. Trạng ngữ chỉ mục đích  với kết cấu là cụm động từ “để ngăn cản nạn ngoại xâm, để giữ gìn tính mệnh, để bảo vệ gia đình, … Cụm “cách mấy ngày trước” đưuocj lặp lại hoàn toàn ở hai đoạn văn liên tiếp nhau.

Nhưng lặp nhiều nhất chính là lặp cú pháp. Kiểu câu C – V – B, trạng ngữ hay Tr, C - V – B được tìm thấy gần như tất cả các đoạn trong tác phẩm. Kiểu câu Danh là danh cũng được dùng phổ biến trong tác phẩm. Câu hỏi tu từ “Họ đã hy sinh cho ai?” được dùng hai lần.

Kiểu câu C – V – B, trạng ngữ hay Tr, C - V – B được dùng sáu lần trong tác phẩm. Chẳng hạn như: “ Họ quyết hy sinh tính mệnh họ, để giữ gìn tính mệnh của đồng bào. Họ hy sinh gia đình và tài sản họ, để bảo vệ gia đình và tài sản của đồng bào. Họ quyết liều chết chống địch, để cho Tổ quốc và đồng bào sống.” Ba câu cùng một kết cấu cú pháp đứng cạnh nhau tạo nhạc tính và tạo âm hưởng mạnh mẽ cho lời kêu gọi.

Câu hỏi tu từ này được dùng cho thấy sự thâm thuý của tác giả. Câu hỏi tu từ hỏi không nhằm mục đích lấy câu trả lời mà hỏi để khẳng định, phủ định, khen, chê, phê bình, nhắc nhở… Bác hỏi vậy là để đồng bào tự trả lời. Hay nói cách khác là Bác muốn khẳng định với đồng bào rằng thương binh và tử sĩ họ hy sinh cho đồng bào. Điều thâm thuý nằm ở chỗ đồng bào nghe Bác hỏi như vậy tự có câu trả lời chính xác và từ câu trả lời ấy sẽ liên hệ đến trách nhiệm của mình trong việc thể hiện trách nhiệm với thương binh và gia đình tử sĩ. Ngay sau đó là nội dung của lời kêu gọi: “Tôi cũng mong đồng bào sẵn lòng giúp đỡ họ về vật chất và về tinh thần”. Phân tích đến đây ta còn thấy sự tài tình của tác giả. Việc đưa ra câu hỏi “Họ đã hy sinh cho ai?” để sau đó Bác đưa ra lời kêu gọi đồng bào giúp đỡ thương binh và gia đình tử sĩ. Lý lẽ của bác rất chặt chẽ. Nói về sự hy sinh rồi chỉ ra trách nhiệm của xã hội ngay sau đó mà không ai có thể từ chối được.

Lặp từ, cụm từ, cú pháp giúp duy trì chủ đề, tạo ra nhạc tính cho tác phẩm. Đây là lời kêu gọi tức là viết ra để hiệu triệu đồng bào nhằm huy động sức người, sức của nên việc tạo nhạc tính cho lời kêu gọi là vô cùng quan trọng. Nhạc tính giúp người nghe chú ý hơn từ đó họ mới biết để đồng tình ủng hộ và thực hiện nội dung chủ thể kêu gọi.

Ngoài ẩn dụ, lặp thì đối cũng là một biện pháp được Hồ Chủ Tịch sử dụng tài tình trong tác phẩm. Chẳng hạn như: “Họ quyết liều chết chống địch, để cho Tổ quốcđồng bào sống.”, “… cách mấy ngày trước – ngày nay”, “thanh niên làn mạnh – tay què chân cụt”, “vật chất – tinh thần”, “trước – sau này” Trong các cặp đối được Bác dùng, chủ yếu là đối từ điển kiểu sống – chết, trước – sau; duy nhất có một cặp đối lâm thời họ (thương binh và tử sĩ) – Tổ quốc, đồng bào. Đối có tác dụng tạo hình ảnh ấn tượng, nhấn mạnh nội dung từ đó tăng sức biểu cảm cho câu văn, tác động mạnh đến nhận thức của người nghe, người đọc.

          Ẩn dụ, lặp, đối là những biện pháp nghệ thuật nổi trội trong Lời kêu gọi. Chúng tạo nên những tổ hợp mới lạ, nhạc tính và hình ảnh gây ấn tượng mạnh cho người tiếp nhận Lời kêu gọi. Những thủ pháp này giúp làm bổi bật lý do phải ra lời kêu gọi và nội dung lời kêu gọi nhân kỷ niệm 1 năm ngày Thương binh toàn quốc.

          Những phân tích trên đây về nội dung và biện pháp nghệ thuật ngôn từ giúp chúng ta nhìn nhận một cách rõ nét giá trị của tác phẩm “Lời kêu gọi nhân ngày 27 -  7 -  1948” để hiểu thêm về tính nhân văn trong tư tưởng Hồ Chí Minh.

 

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Hồ Chí Minh, 120 lời kêu gọi của chủ tịch hồ chí minh, Nxb Thanh Niên, Hà Nội, 2010.
  2. Mai Đức Ngọc, giáo trình soạn thảo văn bản về công tác tư tưởng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016

Thông tin về tác giả

  1. Vũ Hoài Phương, Học viện Báo chí và Tuyên truyền