Triển vọng kinh doanh tích cực hơn khi giá Ure phục hồi nhẹ
Theo báo cáo mới nhất của ABS Research, dự báo lãi ròng của Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã cổ phiếu DCM – sàn HoSE) trong năm nay sẽ đạt 1.451 tỷ đồng, giảm 66,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong năm ngoái, Đạm Cà Mau đã ghi nhận các kết quả kinh doanh ở mức cao nhất lịch sử kể từ khi đi vào hoạt động khi giá phân bón tăng phi mã do đứt gãy chuỗi cung ứng và giá khí thiên nhiên trên toàn cầu tăng vọt.
Theo kế hoạch kinh doanh hiện nay, Đạm Cà Mau đặt mục tiêu lãi ròng cả năm ở mức 1.383 tỷ đồng, tương đương với việc giảm 68% so với mức cao kỷ lục trong năm 2022. Kết thúc quý 1/2023, công ty ghi nhận lãi ròng đạt hơn 229 tỷ đồng, giảm 85% so với quý 1/2022 và tương đương 16,5% mục tiêu cả năm nay. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất trong 7 quý gần đây của Đạm Cà Mau. Nguyên nhân chủ yếu do giá phân bón và sản lượng tiêu thụ đều giảm đáng kể.
Tuy nhiên, ABS Research nhận định hoạt động kinh doanh của Đạm Cà Mau trong quý 2/2023 sẽ được cải thiện nhờ thị trường bước vào vụ Hè – Thu, một trong những vụ canh tác chính trong năm, giúp nhu cầu sử dụng phân bón được cải thiện. Bên cạnh đó, giá Urê trên thị trường thế giới đã có dấu hiệu chạm đáy và đang phục hồi nhẹ.
Cụ thể, giá Ure thế giới trong tháng 6/2023 đã rơi xuống mức 375 USD/tấn, giảm sâu 64% so với mức đỉnh 1.050 USD/tấn xác lập hồi tháng 4/2022, và giảm 48% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, trong tuần cuối của tháng 6 vừa qua, giá Ure tại nhiều thị trường quan trọng trên thế giới đã có tín hiệu phục hồi nhẹ trở lại, tăng từ 10 - 29 USD/tấn.
Trong đó, tại khu vực Trung Đông, giá Ure trong tuần cuối của tháng 6/2023 đã bật tăng tới 29 USD/tấn so với một tuần trước đó. Tại Trung Quốc, giá Ure hạt đục xuất khẩu dao động trong khoảng 300 – 310 USD/tấn (giá FOB), biên độ biến độ giá được thu hẹp lại đáng kể so với mức 290 – 320 USD/tấn của trung tuần tháng 6/2023. Đồng thời, giá Ure hạt trong xuất khẩu của nước này đã tăng 10 USD/tấn, lên mức 290 – 300 USD/tấn.
Tương tự, tại khu vực Biển Đen, giá Ure hạt trong cũng đã tăng 10 USD/tấn, lên mức 240 – 250 USD/tấn (giá FOB). Giá Ure hạt đục tăng từ 15 – 20 USD/tấn, lên khoảng 300 USD/tấn.
Dự báo giá Ure sẽ tiếp tục phục hồi trong nửa cuối năm
Đà phục hồi của giá Ure hiện nay chủ yếu đến từ việc nguồn cung tiếp tục bị thắt chặt ngay cả khi thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại, trái với dự báo nguồn cung sẽ tăng lên. Theo các hãng nghiên cứu thị trường Argus và Fertecon, sản lượng Ure của Trung Quốc đã giảm xuống trong nửa cuối tháng 6/2023 do các nhà máy phân bón tại nước này chỉ vận hành ở mức khoảng 80% công suất. Trong đó, công suất của các nhà máy sử dụng than đạt trung bình 82% do có tới 4 nhà máy đóng cửa cùng lúc để bảo dưỡng. Công suất của các nhà máy sử dụng khí chỉ đạt trung bình 73% và sẽ có 2 nhà máy đóng cửa bảo dưỡng trong tuần tới.
Tính đến cuối tháng 6/2023, lượng tồn kho Ure của các nhà máy tại Trung Quốc chỉ còn đạt 325.900 tấn, giảm 75% so với thời điểm đầu tháng do sản lượng giảm và nhu cầu sử dụng tăng mạnh hơn dự kiến cho vụ canh tác Hè này.
Đáng chú ý, nguồn cung Ure từ thị trường Đông Nam Á được dự báo sẽ tiếp tục suy yếu trong thời gian tới, trong bối cảnh 3 nhà máy sản xuất lớn tại Malaysia, Brunei và Indonesia tiếp tục phải tạm ngưng hoạt động để bảo dưỡng kéo dài từ tháng 4 đến nay. Điều này khiến tổng nguồn cung Ure trong khu vực giảm khoảng 380.000 tấn. Đồng thời, Indonesia cũng áp dụng hạn chế xuất khẩu phân bón để đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước.
Dự báo giá Ure trên thị trường quốc tế trong nửa cuối năm nay có thể sẽ tiếp tục phục hồi nhẹ theo xu hướng biến động của giá than và giá khí đầu vào cho sản xuất phân bón. Bên cạnh đó, Nga đã áp đặt hạn ngạch xuất khẩu phân bón mới từ ngày 1/6 đến ngày 30/11/2023, sẽ giúp nguồn cung được kiểm soát chặt chẽ hơn; qua đó, củng cố đà phục hồi của giá phân bón.
Tại thị trường trong nước, giá các loại phân bón được kỳ vọng sẽ phục hồi nhẹ trở lại từ cuối quý 3 đến đầu quý 4/2023 khi thị trường bước vào cao điểm tiêu thụ, đặc biệt là vụ Đông và Chiêm Xuân tại phía Bắc.
Đặc biệt, việc giá phân bón tăng cao kỷ lục trong năm 2022 đã khiến nhiều hộ nông dân giảm diện tích gieo trồng, kéo theo đó là sản lượng tiêu thụ phân bón giảm. Tuy nhiên, với việc giá gạo xuất khẩu và nhiều loại nông sản xuất khẩu khác của Việt Nam đang tăng cao kỷ lục có thể thúc đẩy nông dân mở rộng canh tác trở lại và gia tăng sử dụng phân bón, nhất là khi giá phân bón đã giảm đáng kể.
Ngoài việc giá Ure phục hồi, hoạt động kinh doanh của Đạm Cà Mau còn được kỳ vọng tích cực nhờ tăng trưởng từ mảng phân bón NPK. Nhà máy NPK của công ty vận hành từ năm 2021 và hiện mới chỉ đạt 38% công suất. Sản lượng của nhà máy này trong năm 2023 có thể tăng mạnh 41% so với năm 2022 nhờ nhu cầu tiêu thụ tăng khi giá NPK hạ nhiệt.
Bên cạnh đó, thuế xuất khẩu phân bón NPK giảm xuống mức 0% từ ngày 15/7 sẽ kích thích các doanh nghiệp khấu khẩu. Đạm Cà Mau hiện có lợi thế phân phối tại thị trường Campuchia với 35% thị phần. Với khả năng tự chủ nguồn phân Ure đầu vào và dự kiến nhà máy NPK sẽ đạt tối đa công suất vào năm 2026. Mảng NPK là điểm sáng cho hoạt động kinh doanh của Đạm Cà Mau thời gian tới.