Trong phiên giao dịch sáng nay (ngày 24/11), giá vàng trong nước đã giảm nhẹ ở cả hai chiều mua vào – bán ra so với mức giá chốt phiên giao dịch ngày hôm qua. Cụ thể, giá vàng SJC hiện được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết tại mức 55,74 triệu đồng/lượng (mua vào) – 56,25 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 40.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào – bán ra.
Công ty Vàng bạc Đá quý Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng SJC tại mức 55,77 triệu đồng/lượng (mua vào) - 56,09 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 50.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào – bán ra so với mức giá chốt phiên giao dịch ngày hôm qua. Chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra tại thị trường vàng trong nước hiện vẫn ở khoảng 500.000 đồng/lượng.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng thế giới hiện chỉ ở mức 1.834 USD/ounce, giảm mạnh tới 40 USD/ounce so với cùng giờ sáng qua khi hàng loạt tin tức tích cực từ thông báo vaccine Covid-19 mới đến các dữ liệu kinh tế tốt hơn tại Hoa Kỳ, Châu Âu được công bố. Cụ thể, cuối giờ chiều ngày 23/11 (theo giờ Việt Nam), hãng dược phẩm AstraZeneca (Anh) công bố dữ liệu thử nghiệm cho thấy vaccine Covid-19 của hãng này cho tác dụng lên đến 70% và có thể lên đến 90%. Đáng chú ý, vaccine Covid-19 của AstraZeneca dễ dàng bảo quản, phân phối và giá bán rẻ hơn đáng kể so với 2 loại vaccine Covid-19 của hãng Pfizer/BioNTech và hãng Moderna công bố trong thời gian gần đây.
Thông tin về loại vaccine Covid-19 thứ ba trên thế giới đã khiến giá vàng giảm mạnh, mất ngay lập tức 36 USD/ounce, xuống mức thấp nhất kể từ ngày 21/7/2020. Giá vàng thế giới còn chịu áp lực giảm khi các dữ liệu kinh tế mới của Hoa Kỳ được công bố cho thấy hoạt động kinh doanh trong tháng 11/2020 tại nước này có tốc độ tăng nhanh nhất trong hơn 5 năm trở lại đây. Con số này cao hơn nhiều so với dự báo của giới phân tích, làm dấy lên kỳ vọng Hoa Kỳ - nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ phục hồi nhanh.
Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao Edward Moya thuộc hãng chứng khoán OANDA cho biết “Giá vàng đã rơi khỏi ngưỡng 1.850 USD/ounce sau khi dữ liệu Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 11/2020 của Hoa Kỳ tăng cao, điều này làm giảm nhu cầu về một gói kích thích kinh tế mới. Dữ liệu này vượt xa mọi dự báo của giới phân tích, không ai nghĩ kết quả có thể tăng mạnh như vậy ở cả lĩnh vực sản xuất và dịch vụ”. Mốc giá 1.850 USD/ounce là mốc tâm lý quan trọng đối với giá vàng hiện nay.
Những yếu tố trên đã thúc đẩy giới đầu tư ồ ạt bán vàng ra. Bên cạnh đó, việc đồng USD tăng giá cũng khiến giá vàng trở nên kém hấp dẫn hơn với giới đầu tư. Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng thế giới đã tăng hơn 21%, chủ yếu do các nhà đầu tư muốn phòng trừ rủi ro và sự mất giá của các đồng tiền chủ chốt.
Hiện tại, thị trường vàng vẫn kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) sẽ công bố thêm các biện pháp kích thích trong tháng 12 tới đây để hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục gây ra các hậu quả nghiêm trọng.
Tập đoàn tài chính Goldman Sachs cho biết vẫn giữ quan điểm giá vàng sẽ đạt mức 2.300 USD/ounce trong năm 2021 bất chấp các thông tin tích cực về vaccine Covid-19 được đưa ra trong thời gian gần đây. Goldman Sachs dự báo đồng USD sẽ tiếp tục suy yếu trong năm 2021, qua đó hỗ trợ giá vàng tăng lên. Trong dài hạn, giá vàng sẽ được hưởng lợi lớn từ nhu cầu đầu tư vào vàng như là kênh trú ẩn an toàn khi lạm phát được dự báo tăng cao và đồng USD suy yếu, theo Goldman Sachs.