Vào lúc 8h30 sáng nay (ngày 3/4), giá vàng SJC tại khu vực TP.Hồ Chí Minh được Công ty TNHH Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết tại mức 54,9 triệu đồng/lượng (mua vào) - 55,4 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 50.000 đồng/lượng ở chiều mua vào nhưng tăng 50.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với mức giá chốt phiên giao dịch chiều qua.
Tại khu vực Hà Nội, Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI niêm yết giá vàng miếng tại mức 54,9 triệu đồng/lượng (mua vào) – 55,4 triệu đồng/lượng (bán ra), không đổi so với mức giá cuối phiên giao dịch chiều qua.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng thế giới giao ngay chốt phiên giao dịch ngày 2/4 (theo giờ Hoa Kỳ) đạt 1.730,3 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá USD do ngân hàng Vietcombank niêm yết cùng ngày (1 USD = 23.160 VNĐ), giá vàng thế giới hiện tương đương 48,31 triệu đồng/lượng. Như vậy, giá vàng trong nước hiện chênh cao hơn 7 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới.
Giá vàng thế giới bật tăng trở lại sau 2 phiên giao dịch lao dốc hồi giữa tuần nhờ việc đồng USD và lợi suất trái phiếu Chính phủ Hoa Kỳ tiếp tục giảm. Bên cạnh đó, việc Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden công bố kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng trị giá hơn 2.000 tỷ USD vào ngày 31/3 đã làm gia tăng lo ngại về lạm phát, qua đó hỗ trợ giá vàng tăng lên.
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích nhận định xu hướng chung của vàng vẫn sẽ là giảm xuống và sự phục hồi của giá vàng lần này chưa bền vững. Chuyên gia kinh tế Howie Lee thuộc Ngân hàng OCBC (Singapore) cho biết, gói kích thích kinh tế đang được triển khai có khả năng sẽ thúc đẩy lạm phát tăng cao hơn và điều này có lợi cho vàng nhưng đồng thời, nó cũng làm lợi suất tăng cao, điều này lại kìm hãm đà tăng của giá vàng.
Ông Phillip Streible - chiến lược gia thị trường tại hãng chứng khoán Blue Line Futures (Hoa Kỳ) nhận định đợt phục hồi lần này của giá vàng chỉ là một đợt điều chỉnh tăng trong một thị trường giá xuống và dự báo giá vàng có thể tăng lên mức 1.740 USD/ounce trước khi giảm trở lại.
Tính chung cả quý 1/2021, giá vàng thế giới đã giảm hơn 10% do lợi suất trái phiếu Chính phủ Hoa Kỳ tăng và việc các quỹ đầu tư vàng lớn quốc tế ồ ạt bán ròng vàng ra khi triển vọng kinh tế toàn cầu được dự báo tốt hơn. Trong tháng 8/2020, giá vàng thế giới có lúc vượt 2.000 USD/ounce, chạm mức cao kỷ lục trong lịch sử.