Theo Liên Bộ Tài chính - Công Thương, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 11/7/2024 - 17/7/2024) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: dự trữ dầu thô của Mỹ (nước sản xuất và tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới) giảm; kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất vào quý III có thể thúc đẩy các hoạt động kinh tế cũng như nhu cầu dầu mỏ; xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine vẫn tiếp diễn, rủi ro địa chính trị tại khu vực Trung Đông gia tăng… Các yếu tố nêu trên khiến giá xăng dầu thế giới trong những ngày vừa qua biến động tăng, giảm đan xen nhưng xu hướng giảm là chủ yếu.
Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 11/7/2024 và kỳ điều hành ngày 18/7/2024 là: 92,73 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (giảm 0,614 USD/thùng, tương đương giảm 0,66%); 97,15 USD/thùng xăng RON95 (giảm 0,614 USD/thùng, tương đương giảm 0,63%); 98,606 USD/thùng dầu hỏa (giảm 2,168 USD/thùng, tương đương giảm 2,15%); 99,308 USD/thùng dầu điêzen 0,05S (giảm 1,906 USD/thùng, tương đương giảm 1,88%); 514,498 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (giảm 6,246 USD/tấn, tương đương giảm 1,2%).
Theo dõi diễn biến giá xăng dầu thế giới hôm nay cập nhật trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Theo đó, kỳ điều hành này, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định không trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu và cũng không chi sử dụng Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng E5RON92, xăng RON95, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut.
Như vậy, giá xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường từ ngày 18/7/2024 như sau:
Giá xăng E5RON92 giảm 108 đồng/lít, ở mức không cao hơn 22.174 đồng/lít, thấp hơn xăng RON95-III 1.004 đồng/lít;
Giá xăng RON95-III giảm 116 đồng/lít, ở mức không cao hơn 23.178 đồng/lít;
Giá dầu diesel 0.05S giảm 330 đồng/lít, ở mức không cao hơn 20.504 đồng/lít;
Giá dầu hỏa giảm 374 đồng/lít, ở mức không cao hơn 20.664 đồng/lít;
Giá dầu mazut 180CST 3.5S giảm 173 đồng/kg, ở mức không cao hơn 17.611 đồng/kg.
Giá xăng dầu mới được áp dụng từ 15 giờ 00’ hôm nay (18/7/2024).
Giá xăng dầu hôm nay 18/7 tại thị trường thế giới
Trong sáng nay ngày 18/7, giá xăng dầu thế giới đã bật tăng mạnh trở lại khi dữ liệu cho thấy lượng xăng dầu tồn trữ tại Mỹ trong tuần trước giảm mạnh hơn dự báo và đồng USD “hạ nhiệt”.
Cụ thể, vào lúc 8h00 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent đạt 85,20 USD/thùng và giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) đạt 83,15 USD/thùng. Chốt phiên giao dịch ngày hôm qua, giá dầu thô Brent tăng 1,6%; trong khi đó, giá dầu thô WTI tăng tới 2,6%.
Thị trường phản ứng tích cực sau khi Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết lượng dự trữ dầu thô tại Mỹ trong tuần trước đã giảm tới 4,9 triệu thùng. Con số này cao gấp nhiều lần so với dự báo giảm 30.000 thùng được giới phân tích đưa ra trước đó và so với mức giảm 4,4 triệu thùng được Viện Dầu khí Mỹ công bố.
Bên cạnh đó, giá xăng dầu còn được hỗ trợ từ việc chỉ số Dollar Index (DXY), đo lường sức mạnh của đồng USD với các đồng tiền chủ chốt khác trên toàn cầu, rơi xuống mức thấp nhất 17 tuần trở lại đây. Đồng USD yếu khiến các loại hàng hoá được định giá bằng đồng tiền này như dầu thô trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư đang nắm giữ các đồng tiền khác trên toàn cầu.
Tuy nhiên, đà tăng của giá xăng dầu vẫn đang bị kiềm chế bởi lo ngại nhu cầu nhiên liệu tại Trung Quốc trong nửa cuối năm nay có thể yếu hơn kỳ vọng.
Bên cạnh đó, xét về mặt kỹ thuật, chênh lệch giữa giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI hiện chỉ còn 3,65 USD/thùng - mức thấp nhất từ hồi tháng 10/2023. Chênh lệch giá giảm sẽ buộc các hãng năng lượng trên thế giới phải tính toán kỹ hơn trong việc nhập khẩu dầu thô từ Mỹ. Điều này có thể khiến tốc độ xuất khẩu dầu của Mỹ giảm xuống, tạo áp lực lên diễn biến giá dầu thời gian tới.