Theo Liên Bộ Tài chính - Công Thương, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 28/3/2024 - 3/4/2024) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: chính sách cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô của OPEC+, căng thẳng tại khu vực Trung Đông có dấu hiệu gia tăng, tiếp diễn các hoạt động quân sự của Ukraine nhằm vào cơ sở hạ tầng lọc dầu của Nga… Các yếu tố nêu trên khiến giá xăng dầu thế giới trong những ngày vừa qua diễn biến tăng, giảm đan xen tùy từng mặt hàng nhưng xu hướng chung là tăng.
Bình quân giá xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 28/3/2024 và kỳ điều hành ngày 04/4/2024 là: 102,130 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (tăng 1,646 USD/thùng, tương đương tăng 1,64%); 106,290 USD/thùng xăng RON95 (tăng 1,272 USD/thùng, tương đương tăng 1,21%); 102,765 USD/thùng dầu hỏa (tăng 0,473 USD/thùng, tương đương tăng 0,46%); 103,895 USD/thùng dầu điêzen 0,05S (tăng 1,275 USD/thùng, tương đương tăng 1,24%); 494,860 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (tăng 6,738 USD/tấn, tương đương tăng 1,38%).
Theo dõi diễn biến giá xăng dầu thế giới hôm nay cập nhật trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Theo đó, kỳ điều hành này, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với dầu mazut ở mức 300 đồng/kg, không trích lập Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng E5RON92, xăng RON95, dầu diesel và dầu hỏa.
Liên Bộ cũng không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng E5RON92, xăng RON95, dầu điêzen, dầu hỏa, dầu madút.
Như vậy, giá xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường từ ngày 4/4/2024 như sau:
Giá xăng E5RON92 tăng 291 đồng/lít, ở mức không cao hơn 23.916 đồng/lít, thấp hơn xăng RON95-III 885 đồng/lít;
Giá xăng RON95-III giảm 15 đồng/lít, ở mức không cao hơn 24.801 đồng/lít;
Giá dầu diesel 0.05S tăng 295 đồng/lít, ở mức không cao hơn 20.988 đồng/lít;
Giá dầu hỏa tăng 136 đồng/lít, ở mức không cao hơn 21.015 đồng/lít;
Giá dầu mazut 180CST 3.5S tăng 151 đồng/kg, ở mức không cao hơn 17.296 đồng/kg.
Trong sáng nay này 4/4, giá xăng dầu thế giới tiếp tục duy trì đà tăng bất chấp việc dữ liệu mới nhất cho thấy lượng tồn trữ dầu thô tại Mỹ trong tuần trước đã bất ngờ tăng vọt.
Cụ thể, vào lúc 7h30 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent đạt 89,35 USD/thùng và giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) đạt 85,56 USD/thùng. Chốt phiên giao dịch ngày hôm qua, giá dầu thô Brent và dầu thô WTI lần lượt tăng 0,5% và 0,3%, thiết lập mức giá đóng cửa cao nhất trong vòng 5 tháng qua. Trong phiên giao dịch, đã có lúc giá dầu thô tăng thêm hơn 1 USD/thùng, vượt mốc 90 USD/thùng.
Đà tăng của giá dầu thô hiện chủ yếu đến từ lo ngại rủi ro thiếu hụt nguồn cung trong thời gian tới khi các nền kinh tế lớn ở Bắc Bán cầu như Mỹ, Trung Quốc, EU… bước vào mùa Hè - mùa cao điểm di chuyển và nhu cầu làm mát lên cao.
Trong ngày hôm qua, phiên họp cấp Bộ trưởng của các quốc gia thành viên liên minh OPEC+ đã quyết định giữ nguyên chính sách cắt giảm sản lượng khai thác 2,2 triệu thùng/ngày như hiện nay cho đến cuối tháng 6/2024. Đồng thời, yêu cầu các quốc gia thành viên liên minh tăng cường thực hiện cam kết cắt giảm sản lượng, tuân thủ đúng mức hạn ngạch khai thác đã được phân bổ.
Giới phân tích đánh giá các động thái trên của OPEC+ sẽ khiến nguồn cung trên toàn cầu bị siết chặt hơn nữa trong quý 2/2024. Trong khi đó, nhu cầu nhiên liệu kỳ vọng sẽ tăng tốc trong bối cảnh hoạt động sản xuất công nghiệp, dịch vụ tại Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản… trong tháng 3 vừa qua đã tăng trưởng tốt hơn dự báo.
Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu thô phần nào bị kìm hãm khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell vừa cho biết các nhà hoạch định chính sách sẽ phải mất một thời gian để đánh giá tình trạng lạm phát hiện tại trước khi đưa ra quyết định chính thức. Điều này khiến cho thời điểm Fed cắt giảm lãi suất trở nên khó đoán hơn bao giờ hết.