Giá xăng dầu hôm nay 7/7: Đi ngang, lo ngại nhu cầu yếu xen lẫn rủi ro thiếu hụt nguồn cung

Giá xăng dầu thế giới tiếp tục đi ngang khi thị trường bị chi phối giữa lo ngại triển vọng nhu cầu sử dụng yếu khi lãi suất toàn cầu neo cao với rủi ro nguồn cung thiếu hụt trong nửa cuối năm nay.

Trong phiên giao dịch sáng nay, giá xăng dầu thế giới tiếp tục xu hướng đi ngang. Thị trường giao dịch thận trọng trước các thông tin trái chiều về vấn đề nguồn cung nhiên liệu trên thị trường và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) tiếp tục tăng lãi suất.

Cụ thể, vào lúc 8h00 sáng nay (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent đạt 76,54 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) đạt 71,84 USD/thùng.

Chốt phiên giao dịch ngày hôm qua, giá dầu thô Brent gần như đi ngang, chỉ giảm 13 cents về mức 76,52 USD/thùng; diễn biến giá dầu thô WTI tương tự, tăng 1 cents, đạt 71,80 USD/thùng.

Giá xăng dầu hôm nay
 Xu hướng giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI trong vòng 30 ngày gần đây; giá xăng dầu thế giới đang chịu áp lực từ lo ngại nhu cầu sử dụng nhiên liệu sẽ ở mức yếu trong thời gian tới. (Nguồn: Oil Price)

Hiện giới đầu tư lo ngại FED và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể tiếp tục tăng thêm lãi suất nhằm kiềm chề đà tăng vật giá khi lạm phát có dấu hiệu neo cao dai dẳng tại nhiều bộ phận của nền kinh tế. Môi trường lãi suất cao kéo dài sẽ tác động tiêu cực đến triển vọng nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu, cùng với đó là triển vọng giá xăng dầu các loại.

Biên bản phiên họp chính sách tháng 6/2023 của FED vừa được công bố cho thấy hầu hết giới chức cơ quan này đồng ý tạm thời không tăng lãi suất trong tháng 6 nhằm có thêm thời gian đánh giá tác động của việc thắt chặt chính sách tiền tệ hiện nay đối với lạm phát. Nhưng đa số giới chức cơ quan này cũng cho rằng cần phải tăng lãi suất lên cao hơn nữa.

Thị trường hiện nay vốn đã chịu tác động tiêu cực từ lo ngại đà phục hồi của Trung Quốc ngày càng có dấu hiệu yếu hơn kỳ vọng, cùng với đó là sự suy giảm đáng kể hoạt động sản xuất chế tạo tại châu Âu trong những tháng gần đây.

Tuy nhiên, áp lực giảm lên giá xăng dầu thế giới phần nào được kìm hãm bởi lo ngại thị trường sẽ thiếu hụt nguồn cung trong nửa cuối năm nay. Vừa qua, Saudi Arabia và Nga, hai quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, tuyên bố sẽ tiếp tục giảm thêm sản lượng khai thác. Thậm chí, Saudi Arabia tuyên bố liên minh OPEC+ sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo cân bằng thị trường.

Xem thêm bài viết: "Hàng loạt quốc gia OPEC+ vừa tuyên bố giảm thêm sản lượng khai thác dầu thô" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Một số quốc gia thành viên liên minh OPEC+ cũng bày tỏ ủng hộ Saudi Arabia và Nga trong nỗ lực ngăn giá dầu thô giảm xuống sâu hơn nữa. Điều này cho thấy OPEC+ có thể giảm sản lượng khai thác hơn nữa trong thời gian tới. OPEC+ với 23 quốc gia thành viên đang kiểm soát khoảng 40% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.

Bên cạnh đó, tâm lý thị trường còn được hỗ trợ khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) cho biết lượng dự trữ dầu thô của Hoa Kỳ trong tuần trước đã giảm tới 1,5 triệu thùng. Con số này cao hơn đáng kể so với mức dự báo giảm 1 triệu thùng của giới phân tích đưa ra trước đó. Đồng thời, lượng dự trữ xăng dầu tại nước này cũng đã giảm xuống.

Hiện giới đầu tư trên toàn cầu đang tập trung theo dõi cuộc hội thảo kéo dài 2 ngày cuối tuần này của tổ chức OPEC và các tập đoàn khai thác năng lượng nhằm đánh giá rõ hơn động thái chính sách khai thác của OPEC thời gian tới.

Tại thị trường trong nước, đầu tuần này, giá xăng dầu vừa được liên Bộ Công Thương – Tài chính điều chỉnh giảm 400 – 500 đồng/lít. Theo đó, giá xăng E5RON92 giảm 408 đồng/lít, ở mức không cao hơn 20.470 đồng/lít; giá xăng RON95-III giảm 587 đồng/lít, ở mức không cao hơn 21.428 đồng/lít; giá dầu diesel 0.05S giảm 5 đồng/lít, ở mức không cao hơn 18.169 đồng/lít; giá dầu hỏa giảm 30 đồng/lít, ở mức không cao hơn 17.926 đồng/lít.

Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước đã trải qua 19 lần điều chỉnh, trong đó có 9 lần tăng, 7 lần giảm và 3 lần giữ nguyên.

Tường Vy