Saudi Arabia và Nga, hai quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, vừa cho biết sẽ cắt giảm thêm sản lượng khai thác dầu thô trong thời gian tới. Cụ thể, Saudi Arabia cho biết sẽ kéo dài việc giảm sản lượng khai thác 1 triệu thùng/ngày sang tháng 8/2023, thay vì kết thúc trong tháng 7/2023 như kế hoạch ban đầu. Đồng thời, nước này để ngỏ khả năng kéo dài việc giảm sản lượng khai thác. Như vậy, sản lượng khai thác của nước này sẽ chỉ còn khoảng 9 triệu thùng/ngày - mức thấp kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.
Ngay sau đó, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak tuyên bố Nga sẽ giảm xuất khẩu dầu khoảng 500.000 thùng/ngày trong tháng 8/2023. Trước đó, Nga cũng đã cam kết giảm sản lượng khoảng 500.000 thùng/ngày, xuống còn 9,5 triệu thùng/ngày từ tháng 3/2023 cho đến cuối năm 2023. Với tuyên bố mới đưa ra, sản lượng xuất khẩu của nước này có thể chỉ còn khoảng 9 triệu thùng/ngày.
Bộ Năng lượng Algeria cũng cho biết nước này sẽ giảm sản lượng khai thác thêm 20.000 thùng/ngày trong tháng 8/2023 để ủng hộ nỗ lực cân bằng thị trường dầu mỏ của Saudi Arabia và Nga.
Trong khi đó, Bộ trưởng Dầu mỏ Libya Mohamed Oun lên tiếng ủng hộ quyết định của Saudi Arabia và Nga, cho biết “động thái này sẽ tác động tích cực tới cân bằng thị trường giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, đồng thời tác động tới nền kinh tế toàn cầu”.
Các quốc gia trên đều thuộc liên minh OPEC+, tổ chức gồm 23 quốc gia khai thác dầu thô chủ chốt trên toàn cầu, hiện đang chi phối hơn khoảng 40% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu. Trong đó, Saudi Arabia và Nga là hai quốc gia chủ chốt của tổ chức này.
Những động thái trên cho thấy các nước khai thác dầu thô lớn trên thế giới đang quyết liệt ngăn chặn giá dầu thô giảm xuống sâu hơn nữa trong bối cảnh hoạt động kinh tế toàn cầu giảm tốc và các ngân hàng trung ương lớn có thể tiếp tục nâng lãi suất cơ bản. Đồng thời, sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc kém hơn kỳ vọng, thậm chí có rủi ro quay đầu giảm trở lại.
Theo dõi thông tin thị trường dầu thô trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Theo Reuters, với các tuyên bố cắt giảm sản lượng mới thì tổng sản lượng khai thác được khối OPEC+ giảm có thể lên đến 5,16 triệu thùng/ngày, tương đương hơn 5% tổng nhu cầu sử dụng dầu toàn cầu.
Hiện OPEC+ đang cắt giảm sản lượng khai thác 3,66 triệu thùng; trong đó, bao gồm cam kết giảm 2 triệu thùng/ngày áp dụng từ tháng 11/2022; và cắt giảm thêm 1,66 triệu thùng/ngày kể từ tháng 4/2023. OPEC+ sẽ duy trì mức cắt giảm này cho đến cuối năm 2024.
Hiện giá dầu thô thế giới đã giảm gần 34% so với mức giá cao kỷ lục 113 USD/thùng trong cùng kỳ năm ngoái. Tính chung quý 2 vừa qua, giá dầu thô Brent đã giảm 6%, xác lập quý giảm giá thứ 4 liên tiếp.
Trong tháng 6/2023, giá dầu thô Brent giao dịch trong khoảng +/-5 USD, với mức thấp nhất là khoảng 71 USD/thùng - mức cao nhất là khoảng 77 USD/thùng. Nhiều chuyên gia phân tích nhận định giá dầu thô khó có thể giảm xuống sâu hơn nữa.
Khảo sát mới nhất của hãng tin Reuters cho thấy các nhà kinh tế học và chuyên gia phân tích dự báo giá dầu thô Brent trong năm nay đạt trung bình 83,03 USD/thùng. Đồng thời, khảo sát cho thấy tổng sản lượng khai thác của các nước thành viên khối OPEC đã giảm nhẹ trong tháng 6 vừa qua mặc dù sản lượng khai thác của Iraq và Nigeria đã tăng lên.