Đau lòng rác ngập biển
Sau hơn 1 giờ hải hành từ cảng Sa Kỳ ra đảo Lý Sơn, cảm giác được đặt chân lên hòn đảo thân yêu và xinh đẹp thật thiêng liêng và dễ chịu. Bước lên cầu cảng là bắt gặp hình ảnh sinh động từ cuộc sống thường nhật của một bộ phận cư dân xứ đảo, cùng hàng chục tàu thuyền đánh bắt hải sản neo đậu chuẩn bị xuất bến ra khơi. Nhưng buồn quá, rác thải sinh hoạt cứ ngập tràn bãi biển quanh đảo, gây ô nhiễm môi trường, nhất là ở các khu vực gần khu dân cư. Điều đáng nói là bên cạnh rác thải sinh hoạt, thì Lý Sơn còn chịu thêm thảm cảnh người dân ồ ạt khai thác cát biển để trồng hành tỏi đã làm cho hệ sinh thái ven bờ biển, với nhiều thảm thực vật, san hô… ở hòn đảo xinh đẹp này bị suy giảm nghiêm trọng những năm gần đây.
Rác thải sinh hoạt ngập tràn bãi biển quanh đảo Lý SơnĐược biết, năm 2006 ở huyện đảo này đã được đầu tư xây dựng bãi xử lý chất thải rắn sinh hoạt (bằng phương pháp chôn lấp), đã mua sắm phương tiện, thành lập đội thu gom rác, bước đầu xử lý rác thải có hiệu quả. Song đến tháng 9/2009, cơn bão số 9 đổ bộ vào đảo đã san phẳng hoàn toàn bãi rác nên tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Biết vậy nhưng vì không có kinh phí xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt nên nhiều năm qua các cấp, các ngành ở Lý Sơn chỉ biết kiến nghị cấp trên.
Đồng lòng vào cuộc
Trước thực trạng ô nhiễm môi trường ở huyện đảo Lý Sơn, trong khi chờ được xây dựng một nhà máy xử lý chất thải rắn, Đảng bộ, chính quyền Lý Sơn cùng bắt tay vào hành động.
Các cấp, ngành, hội đoàn thể ở tỉnh Quảng Ngãi, huyện Lý Sơn, chính quyền các xã và người dân huyện đảo cùng có một quyết tâm làm sao cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường và xây dựng Lý Sơn thành một hòn đảo du lịch xinh đẹp. Điển hình như Tỉnh đoàn phát động phong trào “huyện đảo Lý Sơn nói không với túi ni lông” trong chiến dịch thanh niên tình nguyện hè “Vì màu xanh quê hương” năm 2013 (tổ chức vào sáng 10/8) tại huyện đảo Lý Sơn nhằm thay đổi thói quen của người dân trong việc sử dụng túi ni lông góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường hướng đến một huyện đảo du lịch sinh thái. UBMTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức hội nghị phát động toàn dân tham gia bảo vệ môi trường năm 2013, trên địa bàn huyện Lý Sơn theo hướng xây dựng mô hình điểm “Khu dân cư thực hiện hài hòa xóa đói, giảm nghèo và bảo vệ môi trường”. Đồng thời chọn và xây dựng điểm tại khu dân cư số 1 xã An Vĩnh và khu dân cư số 4 xã An Hải để triển khai thực hiện mô hình điểm.
Lễ Khởi công Dự án Xây dựng mô hình quản lý tổng hợp xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho các đảo,áp dụng thí điểm cho huyện đảo Lý SơnTiếp theo, hưởng ứng chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn 2013”, UBND huyện Lý Sơn đã huy động 650 người là cán bộ chiến sĩ công an, bộ đội biên phòng, quân đội, dân quân tự vệ, đoàn viên thanh niên, học sinh và nhân dân địa phương ra quân thu gom tiêu hủy rác thải dọc tuyến đường liên xã, các điểm di tích, danh lam thắng cảnh và ven bờ biển. Đồng thời tổ chức khai thông cống rãnh, phát quang bụi rậm, cây cối che khuất tầm nhìn phương tiện giao thông.
Tất cả những hoạt động trên đều nhằm nâng cao nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của môi trường đối với đời sống con người để từng bước làm thay đổi hành vi và thái độ của mọi tầng lớp nhân dân về công tác bảo vệ môi trường ở huyện Lý Sơn.
Điện về - rác “bay”
Tin mới nhất về việc Nhà máy xử lý chất thải rắn đảo Lý Sơn sẽ chạy thử nghiệm vào tháng 11/2014 không chỉ khiến cư dân Lý Sơn mừng vui mà còn khiến nhân dân cả nước phấn khởi.
Nhà máy xử lý chất thải rắn đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi (thuộc Dự án xây dựng mô hình quản lý tổng hợp xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho các đảo áp dụng thí điểm tại đảo Lý Sơn) sẽ được chạy thử nghiệm vào trung tuần tháng 11 và được khánh thành đưa vào sử dụng khi Nhà máy hoàn tất những hạng mục cuối cùng trong cuối năm nay.
Để đảm bảo đưa vào chạy thử nghiệm, huyện Lý Sơn sẽ đảm bảo cung cấp nguồn điện, hệ thống thoát nước và nguồn nhân lực để Nhà máy chạy vận hành thử nghiệm đạt hiệu quả cao nhất. Ngoài ra, huyện Lý Sơn sẽ thành lập đội thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên đảo với 26 người, đồng thời lập bản đồ lộ trình tuyến đường thu gom và vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên đảo.
Ông Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn nhấn mạnh: “Việc áp dụng thí điểm mô hình quản lý tổng hợp xử lý chất thải rắn tại huyện đảo Lý Sơn là việc làm cần thiết cơ bản bảo vệ sức khỏe cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo, cải thiện môi trường trên đảo và hệ sinh thái biển ven đảo Lý Sơn, là tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của đảo tiền tiêu”.