Ô nhiễm nặng môi trường không khí
Kết quả đo lường, phân tích cho thấy các thành phố lớn là những nơi có môi trường không khí ô nhiễm nặng. Điển hình như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng… nồng độ bụi và bụi mịn vượt quá tiêu chuẩn từ 1,5 đến 2,5 lần. Số liệu cho thấy, số ngày ô nhiễm không khí vượt ngưỡng cho phép từ 40 ngày (năm 2011) đã lên tới 128 ngày (năm 2013). Ông Nguyễn Hoàng Đức - Trưởng phòng Kiểm soát không khí cho biết: Nguyên nhân dẫn đến nồng độ bụi cao chủ yếu là từ các nguồn như hoạt động giao thông, công nghiệp, xây dựng, dân sinh và ô nhiễm xuyên biên giới. Ô nhiễm không khí ở đô thị do giao thông gây ra chiếm tỉ lệ khoảng 60-70. Việc đào lấp, sửa chữa hệ thống đường giao thông không thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường cũng là tác nhân gây ô nhiễm không khí.
Nhiều giải pháp thiết thực
Trước thực trạng nêu trên, Việt Nam đã triển khai các hoạt động quản lý, kiểm soát chất lượng không khí và đạt được một số kết quả nhất định, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế. Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường không khí còn thiếu tính đồng bộ. Công tác quan trắc, kiểm kê nguồn khí thải còn hạn chế, thiếu các chương trình quan trắc tổng thể và định kỳ cho các khu công nghiệp và làng nghề. Nhiều hoạt động kiểm soát chưa được triển khai như kiểm soát nhiên liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu, đào tạo, tập huấn, nghiên cứu khoa học, truyền thông giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường không khí.
Vấn đề ô nhiễm không khí, quản lý chất lượng không khí đã được quy định cụ thể trong Luật Bảo vệ môi trường 2014. Vấn đề là cần sớm ban hành chính sách và kế hoạch hành động trên cơ sở các quy định của Luật. Bộ TN&MT và nhiều thành phố lớn hiện đã và đang thiết lập các hệ thống quan trắc và phân tích môi trường để thu thập các thông tin môi trường nước, không khí, đất và chất thải rắn; Đồng thời tập trung vào công tác quản lý, giám sát các nguồn thải và trách nhiệm của các chủ đầu tư; xây dựng cơ chế trao đổi hạn ngạch phát thải giữa các doanh nghiệp; Đẩy mạnh các hoạt động quan trắc, kiểm kê khí thải, kiểm soát môi trường không khí tại các đô thị và khu công nghiệp.
Sở TN&MT Hà Nội đã triển khai "Quy hoạch mạng lưới quan trắc không khí cố định trên địa bàn" đến năm 2020, nhằm bổ sung, hoàn thiện mạng lưới quan trắc không khí cố định để đánh giá sự thay đổi chất lượng không khí và các yếu tố khí tượng. Sở sẽ xây dựng và đưa vào vận hành ít nhất 3 trạm quan trắc tự động liên tục, cùng với các trạm đã có và các điểm quan trắc định kỳ theo hệ thống mạng lưới quy hoạch mới, trọng tâm là những khu vực, những yếu tố quan trắc có nhu cầu cấp bách phục vụ công tác giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí, bảo vệ sức khỏe cộng đồng…
Để cải thiện môi trường không khí hiện nay, các chuyên gia cho rằng, đô thị ở Việt Nam cần chú trọng phát triển bền vững song hành việc xây dựng và hoàn thiện mạng lưới giao thông công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân…