6 lĩnh vực ưu tiên
Phát động Giải thưởng Sáng tạo KH-CN năm 2019, TS.Trần Danh Lợi - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội (Liên hiệp Hội Hà Nội) cho biết Giải thưởng năm 2019 sẽ tập trung vào 6 lĩnh vực. Bao gồm: Cơ khí và tự động hóa; Công nghệ thông tin, Điện tử và Viễn thông; Công nghệ sinh học phục vụ sản xuất và đời sống; Công nghệ vật liệu; Công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên; Công nghệ năng lượng.
Để Giải thưởng năm nay có chất lượng và hiệu quả, TS.Trần Danh Lợi cũng đề nghị các sở, ban, ngành của thành phố tiếp tục tuyên truyền ý nghĩa của giải thưởng; vận động các tổ chức, cá nhân, các nhà khoa học nhiệt tình tham gia Giải thưởng; các cơ quan quản lý nhà nước động viên khuyến khích và giúp đỡ các đơn vị, cá nhân có đề tài, công trình tham dự giải thưởng.
Theo dự kiến, trong tháng 9.2019, BTC Giải thưởng sẽ tiếp nhận hồ sơ. Lễ tổng kết và trao giải sẽ được tổ chức vào cuối quý II, đầu quý III năm 2020.
TS. Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam đề nghị các nhà khoa học của Liên hiệp Hội Hà Nội tiếp tục đóng góp ý kiến về thời gian tổ chức, lĩnh vực dự thi, cơ cấu giải thưởng… để giúp BTC Giải thưởng Sáng tạo KH-CN Việt Nam tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả của Giải thưởng này.
3 công trình đạt Giải thưởng Sáng tạo KH-CN năm 2018
Tổng kết Giải thưởng Sáng tạo KH-CN năm 2018, Theo TS. Lê Xuân Rao - Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Hà Nội, trong năm 2018, Liên hiệp Hội Hà Nội đã nhận được nhiều công trình tham gia dự thi thuộc các lĩnh vực khác nhau. Hội đồng khoa học của Liên hiệp Hội Hà Nội đã đánh giá, nghiệm thu, tư vấn và nhất trí gửi 7 công trình dự thi Giải thưởng Sáng tạo KH-CN Việt Nam vào cuối tháng 10.2018.
Kết quả đã có 3 công trình đoạt giải Nhì và 1 công trình bảo lưu để tiếp tục hoàn thiện. Cụ thể:
- Công trình “Sử dụng các vật liệu tiên tiến trong thiết kế, chế tạo thiết bị liên hợp Oxi - Ozon và ứng dụng để khử khuẩn, nấm mốc trong môi trường nước và không khí quy mô công nghiệp” của KS Nguyễn Cao Cường và cộng sự (Công ty cổ phần Công nghiệp và dịch vụ Khoa học kỹ thuật Bách khoa - BKIDT).
- Công trình “Thiết kế chế tạo phao báo hiệu hàng hải bằng vật liệu mới PPC (Copolyme Polypropylen Polystone P) ứng dụng công nghệ cao” của tác giả Nguyễn Kim Sơn và cộng sự (Công ty cổ phần công nghệ James Boat).
- Công trình “Nghiên cứu xây dựng công thức bào chế một số sản phẩm thuốc dạng lỏng chứa trong bao bì PVC/PE (nhóm sản phẩm 1)” của tác giả Trần Thị Phương Thảo và cộng sự (Công ty Cổ phần dược phẩm CPC1 Hà Nội).