Theo dự thảo, doanh nghiệp có tổng doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong năm 2020 không quá 200 tỉ đồng sẽ được giảm 30% số thuế thu nhập phải nộp của năm.
Trường hợp doanh nghiệp mới thành lập trong năm nay không đủ 12 tháng thì tổng doanh thu năm 2020 được xác định bằng doanh thu thực tế của năm nay chia (:) cho số tháng doanh nghiệp thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh sau đó nhân (x) với 12 tháng.
Doanh nghiệp tự xác định doanh thu bình quân tháng. Trường hợp doanh thu bình quân tháng không quá 16,67 tỉ đồng thì doanh nghiệp thực hiện tạm tính theo quý số thuế mà doanh nghiệp phải nộp theo quy định.
Sau đó, doanh nghiệp tạm nộp số thuế thu nhập doanh nghiệp của quý sau khi đã giảm 30% số thuế tạm tính.
Kết thúc kỳ tính thuế năm 2020, trường hợp tổng doanh thu năm 2020 của doanh nghiệp không quá 200 tỉ đồng thì doanh nghiệp kê khai giảm thuế thu nhập doanh nghiệp của năm 2020 khi quyết toán thuế thu nhập theo quy định.
Về thủ tục giảm thuế, Bộ Tài chính cho biết, doanh nghiệp tự xác định số thuế được giảm khi tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quý và quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020.
Khi lập tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020, doanh nghiệp sau khi xác định số tiền thuế được giảm theo quy định.
Trường hợp sau khi hết thời gian giảm thuế, qua thanh tra, kiểm tra, cơ quan thuế phát hiện doanh nghiệp không thuộc đối tượng được giảm thuế theo quy định tại Nghị định này hoặc số thuế đã kê khai để giảm lớn hơn số thuế được giảm theo quy định thì doanh nghiệp phải nộp lại số tiền thuế thiếu, tiền phạt và tiền chậm nộp do cơ quan thuế xác định lại vào ngân sách nhà nước.
Ngược lại, cơ quan thuế phát hiện doanh nghiệp được giảm nhiều hơn số thuế đã kê khai giảm trước đó thì doanh nghiệp được khai bổ sung để tiếp tục hưởng số thuế được giảm theo mức mà cơ quan thuế xác định.
Việc đề xuất giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp nêu trên vượt qua khó khăn do tác động của dịch COVID-19, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tích tụ vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, là tiền đề giúp các doanh nghiệp phát triển, chuyển đổi thành doanh nghiệp có quy mô lớn hơn để đóng góp lại cho NSNN trong thời gian tiếp theo.
Theo số liệu thống kê, tính đến cuối năm 2019, Việt Nam có khoảng 760.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong cơ cấu doanh nghiệp của Việt Nam, doanh nghiệp có quy mô nhỏ, siêu nhỏ và vừa chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp và các doanh nghiệp này có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế cũng như ổn định xã hội.