Đà Nẵng là địa bàn tiêu thụ và trung chuyển mặt hàng thuốc lá điếu từ các địa phương khác như: An Giang, TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Lạng Sơn, Quảng Trị, Thái Lan… Trung bình mỗi năm cơ quan chức năng thành phố bắt giữ và tiêu hủy từ 50.000 - 80.000 gói thuốc lá điếu nhập lậu, chủ yếu các loại như 555, Zet, Dunhill, Hero...
Cùng với các đối tượng buôn lậu chuyên nghiệp, các đại lý, điểm bán lẻ vỉa hè, cơ sở kinh doanh trong bar, vũ trường, là nơi tiếp tay cho buôn bán thuốc lá lậu. Thêm vào đó, nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng tăng cao là nguyên nhân dẫn đến thực trạng buôn lậu thuốc lá điếu có “đất sống”. Lực lượng QLTT cũng thường xuyên tuyên truyền, dán áp-phích và khuyến cáo các hành vi buôn bán, tiêu thụ thuốc lá lậu. Điều này phần nào tác động đến tâm lý người kinh doanh. Tuy nhiên, vì lợi nhuận lớn nên các đối tượng buôn lậu thuốc lá vẫn không ngừng hoạt động phi pháp. Thay vì hoạt động công khai, các đối tượng buôn lậu chuyển sang vận chuyển, mua bán lén lút và dùng đủ thủ đoạn tinh vi để đối phó cơ quan chức năng. Đà Nẵng là thị trường tiêu thụ và lưu thông qua nhiều địa bàn nên rất khó truy xuất tận gốc xuất xứ mặt hàng này
Từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng của Đà Nẵng liên tục tổ chức nhiều đợt ra quân kiểm tra xử lý hàng cấm, hàng gian, hàng giả, hàng nhập lậu trái phép. Riêng lực lượng Quản lý thị trường Đà Nẵng đã kiểm tra trên 7.000 vụ, qua đó xử lý 6.672 vụ vi phạm, thu phạt tổng số tiền gần 15 tỉ đồng và tịch thu nhiều hàng hóa vi phạm. Trong đó chủ yếu là thuốc lá điếu, sau đó mới đến đường cát, quần áo, giày dép, đồ điện gia dụng, mỹ phẩm, mắt kính, đồng hồ đeo tay, rượu... Mới đây nhất, Chi cục QLTT Đà Nẵng đã phát hiện và tiêu huỷ hơn 76.000 báo thuốc lá ngoại nhập lậu, thuốc lá giả mang nhãn hiệu 555, Essevà Jet với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.
Theo điều tra của ngành chức năng, đối tượng vận chuyển thuốc lá nhập lậu đa số là dân nghèo, không có việc làm ổn định nên việc kiểm tra, kiểm soát vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Đại diện Chi cục Quản lý thị trường TP. Đà Nẵng cho biết, các hành vi vi phạm bị phát hiện chủ yếu trên khâu lưu thông, các đối tượng vận chuyển đa phần theo chiều từ Bắc - Nam. Một số lượng ít bị phát hiện khi đang được tiêu thụ tại các điểm tạp hóa nhỏ lẻ.
Vì vậy, nhiệm vụ của lực lượng QLTT thành phố là phải tăng cường công tác quản lý địa bàn,công tác kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu,hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa và kinhdoanh trái phép bằng nhiều biện pháp.