Sự "giằng co"
Kinh tế kế hoạch hóa bắt đầu ở nước ta sau năm 1954, và cuối những năm 1970 đã xuất hiện những băn khoăn về mô hình kinh tế này. Ở Hội nghị Trung ương 6, Khóa IV năm 1979 ta đã khẳng định: “Sửa lại giá lương thực và giá các nông sản khác cho hợp lý để khuyến khích sản xuất và mở rộng nguồn thu mua của Nhà nước”; “Trong việc phân phối, ngoài tiêu chuẩn cung cấp theo định lượng, ngành Thương nghiệp được phép bán theo giá cao hơn giá bán cung cấp một số mặt hàng lương thực, nông sản và hàng công nghiệp đã mua của người sản xuất theo giá thỏa thuận”.
Nhưng đến tháng 11/1982, Chỉ thị 11-CT/TƯ đã yêu cầu: “Phải đình chỉ ngay việc bán vật tư hàng hóa theo giá cao để mua lúa theo giá cao”; “không chạy theo giá thị trường đang chịu tác động của yếu tố đầu cơ”; “Cấm buôn bán đường dài về lương thực”.
Chúng ta có Nghị định số 40-CP năm 1980 cho phép doanh nghiệp địa phương, doanh nghiệp của các Bộ khác ngoài Bộ Ngoại thương được tham gia xuất khẩu, sau đó ta lại thu hẹp đầu mối hoạt động của các công ty xuất nhập khẩu địa phương (có đuôi Imex), mỗi tỉnh chỉ có 1 công ty xuất nhập khẩu (có đuôi Unimex).
Chúng ta có Nghị quyết 26-NQ/TW tháng 6/1980 cho phép “các liên hiệp xí nghiệp, công ty mua theo giá thỏa thuận một số nguyên liệu, vật tư mà Nhà nước không cung ứng được và nông dân đem bán ngoài phần đã làm xong nghĩa vụ”. Nhưng đến Hội nghị Trung ương 5 (Khóa V) tháng 11/1983, chúng ta yêu cầu: “Nhà nước phải làm chủ thị trường, thống nhất quản lý các loại hàng hóa công nghiệp và nông sản quan trọng trong xã hội. Thực hiện Nhà nước độc quyền về kinh doanh lương thực” nhằm tập trung nguồn hàng vào tay Nhà nước để phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng theo hình thức cấp phát - giao nộp (cung cấp vật tư, nguyên, nhiên liệu - thu mua hàng công nghiệp, nông sản).
Kể từ năm 1979, Đảng ta nhận thấy những hạn chế của cơ chế cấp phát - giao nộp, cơ chế giá chỉ đạo của kinh tế kế hoạch hóa. Song những cải tiến mô hình kinh tế theo hướng gắn với thị trường hơn vẫn thường xuyên “va đập” với những động thái siết chặt quản lý theo kinh tế kế hoạch hóa trong suốt 7 năm, 1979 - 1985 xuất phát từ nhiều nguyên nhân kinh tế - xã hội, nhưng có thể kể ra mấy nguyên nhân chính.
Sức hấp dẫn của kinh tế kế hoạch hóa
Thứ nhất, “sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa” có sức hấp dẫn rất mạnh; đặc biệt với những nước có xuất phát điểm đi lên từ nền kinh tế nông nghiệp manh mún; được kỳ vọng là phương thức cơ bản để xóa bỏ tình trạng lạc hậu, cải biến nền sản xuất nhỏ thành nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, “phải nắm vững nhiệm vụ trung tâm của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, đưa nền kinh tế nước ta tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa”, “tiến hành công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ lâu dài và quyết định đối với sự toàn thắng của chủ nghĩa xã hội ở nước ta”.
Nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa dựa trên kinh tế kế hoạch hóa và chế độ công hữu về tư liệu sản xuất với 2 hình thức quốc doanh và tập thể được kỳ vọng sẽ cho năng suất cao hơn nền kinh tế tư nhân, cá thể dựa trên chế độ tư hữu. Tuy nhiên, do lực lượng sản xuất của ta chưa phát triển nên việc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh ở miền Nam không thành công dẫn đến những suy nghĩ trái chiều. Về thực tế, cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh khiến sức sản xuất giảm sút. Nhưng theo tư duy lôgic, nó phải diễn ra và tiếp tục mới phù hợp với sản xuất lớn.
Thứ hai, từ khát vọng xóa bỏ nghèo nàn lạc hậu thông qua sản xuất lớn, mô hình kinh tế kế hoạch hóa càng có đất phát triển hơn. Kinh tế kế hoạch hóa, về bản chất là lên kế hoạch các cân đối lớn. Một đất nước có ngần này triệu dân thì mỗi năm cần bao nhiêu mét nhà ở, bao nhiêu đôi giày, bao nhiêu mét vải… Từ đó lại cân đối tiếp, để thỏa mãn mỗi mét nhà ở, đôi giày, mét vải cần bao nhiêu kWh điện, bao nhiêu cân xi măng, sắt thép. Trên thực tế, rất khó để cân đối trúng một cách tương đối nhu cầu xã hội, nhưng theo tư duy logic, sản xuất có kế hoạch sẽ đảm bảo không lãng phí nguồn lực xã hội.
Thứ ba, mô hình kinh tế kế hoạch hóa khiến ta coi trọng sản xuất hơn thương mại. Sản xuất mới làm ra vật chất, làm tăng của cải cho xã hội. Thương mại, với tư cách hậu cần cho sản xuất, cung cấp vật tư, nguyên liệu và thu mua hàng công nghiệp; giá mua và giá bán đều theo giá chỉ đạo nên gần như không còn chức năng điều tiết hay định hướng thị trường. Hơn nữa, thương mại còn “sống nhờ” vào sản phẩm thặng dư của khu vực sản xuất - một hình thức “bóc lột”. Đây cũng là lý do để cải tạo thương nghiệp tư bản tư doanh ở miền Nam thiên về “khuyến khích tư sản thương nghiệp chuyển sang sản xuất”. Việc hạn chế nguồn lực thương nghiệp tư nhân đã phần nào cản trở sự linh hoạt của nền kinh tế.
Thương nghiệp quốc doanh với 2 hình thức mậu dịch quốc doanh và hợp tác xã được tạo điều kiện ưu tiên phát triển, vì không “bóc lột” được lý giải là lợi nhuận của thương mại Nhà nước được chuyển vào tích lũy xã hội chủ nghĩa, phục vụ xã hội. Thương nghiệp quốc doanh với phương thức thu mua - cấp phát theo “giá chỉ đạo” đều thấp so với thị trường, theo lô gic là công bằng. Bán nguyên liệu, vật tư, nhiên liệu, phân bón, thuốc trừ sâu… cho xí nghiệp quốc doanh, cho nông dân hợp tác xã với giá ưu đãi, thì thu mua nông sản, hàng công nghiệp với giá thấp hơn giá thị trường là hợp lẽ.
Nhưng thực tế không hẳn như vậy. Cung luôn không đủ cầu, nên các xí nghiệp quốc doanh, hợp tác xã phải xếp hàng chờ mua nguyên vật liệu. Từ đây, nảy sinh cửa quyền, thậm chí móc ngoặc đưa hàng Nhà nước ra ngoài thị trường bán, ăn chia giá chênh lệch. Như vậy, “chợ đen” lại xuất phát từ thị trường có kế hoạch chứ không phải từ thị trường tự do.
Những câu nói dân gian của một thời, kiểu như “thủ kho to hơn thủ trưởng”; “cán bộ cao ăn cung cấp/cán bộ thấp ăn chợ đen/cán bộ quen ăn cổng hậu”, lúc đầu được bàn tán ở vỉa hè, quán nước chè trước cổng xí nghiệp, rồi bằng cách nào đó “dội” thẳng lên cơ quan cấp trên. Nhưng cũng từ đây, nảy sinh sự “giằng co” giữa 2 cách giải quyết, một là chuyển sang cách mua bán mới, hai là cải tiến lại cách mua bán cũ.
Có thể nói, sự “giằng co” giữa cải tiến cơ chế kinh tế theo hướng gắn với thị trường và siết chặt quản lý theo kế hoạch hóa trong những năm 1979 - 1985 phản ánh sự “va đập” giữa mô hình và đòi hỏi thực tiễn. Cho dù đến năm 1985, ta chưa đi đến tận cùng của việc xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, nhưng về căn bản, qua những trải nghiệm “va đập” ấy, chúng ta đã thống nhất được nhận thức chung rằng, không có mô hình nào là thuần khiết, hoàn chỉnh, và tiêu chuẩn cao nhất của cơ chế chính sách là khả năng huy động mọi nguồn lực xã hội vào phát triển.