Tối nay 28/3, sự kiện Giờ Trái đất 2020 chính thức được diễn ra với hoạt động tắt điện từ 20h30 đến 21h30. Đây là sự kiện được tổ chức thường niên, song năm 2020, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nên các hoạt động mít tinh hưởng ứng chiến dịch không diễn ra.
Thay vào đó, Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam - đơn vị tổ chức sự kiện dưới sự bảo trợ của Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã tổ chức truyền thông trực tuyến, kêu gọi người dân, các tổ chức, doanh nghiệp hưởng ứng tắt điện trong 1 giờ (từ 20h30 đến 21h30 ngày 28/3).
Điểm mới trong nội dung truyền thông chiến dịch Giờ Trái đất 2020 là “chuyển” từ vấn đề “biến đổi khí hậu” sang vấn đề “mất đa dạng sinh học”.
Theo WWF, ngăn chặn suy thoái thiên nhiên và mất đa dạng sinh học là nền tảng xây dựng một hành tinh "khỏe mạnh", đồng thời là giải pháp tức thời ứng phó với các thảm họa khí hậu.
Trước đó, để hưởng ứng chiến dịch Giờ trái đất 2020, Bộ Công Thương đã có công văn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tăng cường các hoạt động tuyên truyền theo hình thức trực tuyến, phát thanh, truyền hình, treo băng rôn khẩu hiệu hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất.
Phát biểu kêu gọi hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2020, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh “Đảng và Nhà nước đã thực thi nhiều chính sách quan trọng để thúc đẩy tiết kiệm năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo, cụ thể hóa bằng Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo và các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình quốc gia để thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55/NQ-TW ngày 11/2/2020 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó khẳng định việc ưu tiên khai thác, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và thúc đẩy mạnh mẽ việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”.
Các hoạt động chính của Giờ Trái đất 2020 gồm: Chiến dịch truyền thông mạng xã hội bắt đầu từ 12/3 đến 28/3; Tọa đàm ngày 28/3 trên kênh truyền hình VTV1 với thông điệp của Thủ tướng; Hoạt động kêu gọi cam kết trên trang web của WWF và tổng kết chiến dịch từ 28/3 đến 4/4; Truyền thông giáo dục công chúng thông qua 100 bức vẽ tại khu vực Hoàn Kiếm, Hà Nội; Truyền thông màn hình tại các khu thương mại, khu dân cư; Truyền thông qua người nổi tiếng - đại sứ của WWF.
Đến nay, đồng loạt các tỉnh, thành phố trên cả nước đã có rất nhiều cách làm sáng tạo giúp lan tỏa thông điệp của chiến dịch trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Một số hình ảnh ấn tượng được phóng viên Tạp chí Công Thương ghi lại trong 1 giờ tắt đèn, hưởng ứng sự kiện Giờ Trái đất 2020:
Bắt nguồn từ một sự kiện tắt đèn mang tính biểu tượng tại thành phố Sydney, Úc do WWF khởi xướng vào năm 2007, Giờ Trái Đất ngày hôm nay đã trở thành một phong trào môi trường có quy mô lớn nhất thế giới. Vào mỗi ngày thứ bảy cuối cùng của tháng ba hàng năm, hàng triệu người tại hơn 188 quốc gia và vùng lãnh thổ lại cùng nhau tắt đèn để thể hiện sự quyết tâm ngăn chặn biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường thiên nhiên.
Tắt đèn tuy là một hành động nhỏ, nhưng lại thể hiện một ý nghĩa lớn. Đó là biểu tượng của sự đồng lòng. Đó là biểu tượng của niềm hy vọng. Đó là biểu tượng của sức mạnh tập thể khi chúng ta cùng nhau hành động để bảo vệ sự sống trên hành tinh này.
Sau 1 giờ tắt đèn của sự kiện Giờ Trái đất 2019 (20h30 đến 21h30 ngày 30/3/2019), Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia cho biết, trên phạm vi cả nước đã tiết kiệm được sản lượng điện là 492.000 kWh, tương đương số tiền khoảng 917 triệu đồng.