Ngày 21/11/2015, tại Công viên Trần Hưng Đạo - TP Vũng Tàu và Thị trấn Long Hải - huyện Long Điền, Tỉnh Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp với Sở Tài nguyên môi trường, Trung tâm Quy hoạch và Quản lý tổng hợp vùng duyên hải khu vực phía Nam tổ chức chương trình truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về Biến đổi khí hậu; bảo vệ môi trường và ra quân vệ sinh môi trường Biển năm 2015 với sự tham gia của 300 đoàn viên thanh niên. Với chủ đề: “Trái đất của chúng ta đang cần chúng ta, hãy chung tay để ứng phó với biến đổi khí hậu”, Chương trình nhằm góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, hình thành ý thức chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường của đoàn viên, thanh thiếu nhi và nhân dân trên địa bàn; đồng thời, hoạt động là nội dung cụ thể nhằm phát huy vai trò xung kích, trách nhiệm của đoàn viên, thanh niên trong tham gia ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và bảo vệ môi trường. Đây là chương trình được tổ chức định kỳ hàng năm. Thông qua hoạt động nhằm góp phần phát huy cao độ vai trò trách nhiệm của tuổi trẻ tham gia truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về Biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Đó là một trong nhiều giải pháp mà tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai nhằm đẩy mạnh công tác quản lý bảo vệ môi trường.
ảnh Minh họa
Bà Rịa Vũng Tàu là tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, vì vậy, để xây dựng môi trường du lịch, thân thiện, sạch đẹp trong mắt du khách. Trong quá trình phát triển kinh tế, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu luôn đưa ra cảnh báo, việc tỉnh phát triển nhiều khu công nghiệp, cụm sản xuất luôn có nguy cơ xảy ra việc ô nhiễm môi trường nếu công tác quản lý bảo vệ, kiểm soát ô nhiễm làm không tốt. Vì vậy, Bà Rịa Vũng Tàu luôn kiểm tra, kiểm soát yêu cầu các chủ đầu tư và cơ sở sản xuất trong các khu công nghiệp chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về bảo vệ môi trường. Theo đó, hiện đã có 8/9 khu công nghiệp và 3 cụm công nghiệp của tỉnh có dự án thứ cấp hoạt động nước thải được thu gom xử lý tập trung trước khi xả thải. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã đầu tư 9 lò đốt chất thải y tế, xây dựng 6 hệ thống xử lý nước thải y tế, đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên; đồng thời triển khai đầu tư hoàn thành dự án thu gom và xử lý nước thải đô thị thành phố Vũng Tàu giai đoạn 1. Các dự án đầu tư mới vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp của các huyện, thị, thành phố phải hoàn chỉnh các công trình xử lý chất thải theo quy định trước khi đi vào hoạt động chính thức. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp có dự án thứ cấp hoạt động phải đầu tư mới hoặc mở rộng hệ thống xử lý nước thải tập trung hoặc kết hợp sử dụng chung hệ thống xử lý nước thải tập trung với công suất xử lý tối thiểu bằng lưu lượng xả thải của các dự án thứ cấp đang hoạt động. Đồng thời, lắp đặt thiết bị quan trắc tự động nước thải các thông số cơ bản theo quy định, kết nối thông tin từ mạng lưới quan trắc tự động với Sở Tài nguyên và Môi trường.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, bảo đảm thu hút các dự án đầu tư mới có công nghệ hiện đại, sử dụng tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường. Hiện trong tỉnh chỉ còn Khu công nghiệp Cái Mép là chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Hiện dự án xử lý nước thải tập trung ở khu công nghiệp này đang tiến hành san lấp mặt bằng, dự kiến sẽ đưa vào vận hành cuối quý I/2016. Sau khi đi vào hoạt động, hệ thống xử lý nước thải này sẽ có công suất là 4.000 m3/ngày đêm. Tại 3 cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đều đã đầu tư hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải tập trung theo quy định, đó là Cụm công nghiệp Hắc Dịch 1, Boomin Vina và Ngãi Giao.
Với chính sách kinh tế xanh, những năm gần đây, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không lấy quy mô vốn đầu tư trên từng dự án làm tiêu chí quan trọng mà những tiêu chí về công nghệ, môi trường là những yếu tố quyết định việc chọn nhà đầu tư, chọn dự án. Theo đó, Bà Rịa - Vũng Tàu tập trung thu hút vốn vào các lĩnh vực không ảnh hưởng đến môi trường. Ðó là công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp sử dụng công nghệ sạch, bảo đảm các chất thải khi thải ra môi trường đạt quy chuẩn kỹ thuật theo quy định. Từ giữa năm 2014, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành chỉ thị về thu hút đầu tư nước ngoài trong đó có 8 loại hình dự án không được tỉnh thu hút đầu tư, đó là luyện thép; chế biến tinh bột sắn; chế biến mủ cao su; sản xuất hóa chất cơ bản (có phát sinh nước thải công nghiệp); nhuộm; thuộc da; sản xuất giấy các loại, bột giấy và chế biến bột cá. Ông Nguyễn Hữu Lợi, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, nhằm triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong bảo vệ môi trường, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ban hành Chỉ thị 20/CT-UBND về việc tăng cường công tác bảo vệ môi trường. Theo đó, UBND tỉnh giao Sở TN&MT tiếp tục tăng cường quán triệt sâu sắc Luật Bảo vệ môi trường đến các cấp, các ngành, các địa phương, đảm bảo tổ chức quán triệt để Luật đi vào cuộc sống. Các ngành, các cấp triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về bảo vệ môi trường theo Chiến lược bảo vệ môi trường của tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được phê duyệt; kiểm soát các cơ sở sản xuất liên quan đến nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, nhất là đối với các tổ chức nhập khẩu phế liệu sắt, thép và giấy; tăng cường quản lý và kiểm soát tình hình khắc phục ô nhiễm của các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, cương quyết đình chỉ hoạt động các cơ sở không có khả năng xử lý ô nhiễm theo lộ trình đã quy định; nhanh chóng phối hợp với các ngành, địa phương, cơ quan khoa học nghiên cứu giải pháp cải tạo, phục hồi cảnh quan môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản… UBND tỉnh giao các Sở, ngành như: Sở Xây dựng, Kế hoạch và Đầu Tư, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Công an, Ban quản lý các Khu công nghiệp, các huyện, thành phố phải chủ động, nghiêm túc triển khai có hiệu quả các yêu cầu tại Chỉ thị này và định kỳ 6 tháng/lần báo cáo tình hình thực hiện cho Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.