Gỗ rừng trồng: Sản phẩm thế mạnh của Yên Bái

Nằm ở cửa ngõ vùng Tây Bắc, Yên Bái có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, nhất là khi đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai hoàn thành, kết nối Yên Bái với Thủ đô Hà Nội và các thành phố

Phát huy thế mạnh

Với lợi thế của một tỉnh miền núi có diện tích đất đai rộng lớn, trong đó đất lâm nghiệp trên 473.000 ha, nằm trên nền tiểu vùng khí hậu khác nhau đã tạo ra những sản phẩm nông, lâm nghiệp phong phú và đa dạng. Yên Bái có diện tích rừng tự nhiên trên 238.000 ha, rừng trồng trên 179.000 ha, gồm các loại: keo, bồ đề, bạch đàn, quế và các loại cây lâm nghiệp khác. Đây là nguồn nguyên liệu phong phú cho công nghiệp chế biến gỗ, giấy, ván dăm...

Phát huy thế mạnh đồi rừng, những năm qua, Yên Bái đã có nhiều chính sách phát triển kinh tế lâm nghiệp. Những mô hình trồng rừng gắn với chế biến có giá trị hàng chục tỷ đồng đang mọc lên trên khắp các làng quê. Mỗi năm, toàn tỉnh trồng mới 12.000 - 15.000 ha rừng các loại, đưa độ che phủ rừng lên trên 60%. Đến nay, sản xuất lâm nghiệp đã bước đầu hình thành được vùng sản xuất tập trung với trên 100.000 ha rừng trồng nguyên liệu tập trung ở một số huyện Văn Yên, Trấn Yên, Văn Chấn, Lục Yên, Yên Bình, thành phố Yên Bái và gần 37.000 ha quế tập trung ở một số huyện Văn Yên, Trấn Yên, Văn Chấn.

Cùng với việc phát triển trồng rừng, công nghiệp chế biến gỗ cũng phát triển mạnh. Với gần 400 cơ sở chế biến gỗ rừng trồng, mỗi năm khai thác và tiêu thụ trên 450.000 m3 gỗ. Tổng doanh thu hàng năm từ chế biến gỗ đạt trên hàng trăm tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động. Kinh tế đồi rừng đã góp phần quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo của tỉnh và trở thành nguồn thu chính cho bà con nông dân.

Khuyến khích đầu tư

Nhằm đa dạng hóa các sản phẩm, đáp ứng được chất lượng và số lượng theo yêu cầu của khách hàng, tỉnh Yên Bái khuyến khích đầu tư công nghệ, thiết bị chế biến gỗ hiện đại tại các huyện có diện tích rừng lớn như: Trấn Yên, Văn Yên, Yên Bình, Văn Chấn, Lục Yên. Toàn tỉnh hiện có gần 400 cơ sở chế biến gỗ rừng trồng; với các sản phẩm chế biến từ gỗ rừng trồng, gồm: ván ghép thanh, gỗ xẻ xây dựng cơ bản, ván bóc, ván ép, đũa gỗ... Nhiều doanh nghiệp kinh doanh chế biến lâm sản hoạt động hiệu quả và phát triển mạnh, có thể kể như: Công ty Cổ phần kinh doanh chế biến lâm sản xuất khẩu Yên Bái với sản phẩm chính là ván ghép thanh xuất khẩu, khuôn cửa công nghiệp và đũa gỗ, xuất khẩu ra thị trường Nhật Bản và thị trường Đài Loan được các bạn hàng tin tưởng, ưa chuộng. Trung bình mỗi năm công ty khai thác và chế biến trên 3.000 m3 gỗ, đem về doanh thu từ xuất khẩu hàng triệu USD; Công ty TNHH Phúc Lộc với 2 sản phẩm chính là ván ép và ván thanh trung bình mỗi năm công ty xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc gần 3.000 m3 sản phẩm; Công ty cổ phần Yên Thành sản xuất các mặt hàng nông lâm sản xuất khẩu: Gỗ rừng trồng (gỗ ván bóc, gỗ dán, ván ép, gỗ xẻ thanh nan) công suất trên 5.000 m3/năm. Ngoài ra còn một số đơn vị khác như: Công ty TNHH Hối Thành; Công ty CP Lâm nông sản thực phẩm, Doanh nghiệp tư nhân Đăng Khoa; Công ty TNHH Danh Mùi, Công ty TNHH Minh Thiện,….

Các cơ sở chế biến sản phẩm từ gỗ rừng chủ yếu sản xuất các loại sản phẩm như: Ván ép, ván ghép thanh, ván dăm, đũa gỗ xuất khẩu bán sang các thị trường như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapo... Các sản phẩm như ván bóc, ván xẻ thanh, ván ô kan và các loại đồ mộc nội thất văn phòng, bán chủ yếu ở thị trường trong nước gồm các tỉnh Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tây và Bình Dương. Hiện tại, năng lực sản xuất ván ép xuất khẩu các loại đạt khoảng 69.000 m3 sản phẩm/năm; ván ghép thanh 82.000 m3/năm; gỗ xẻ thanh, bao bì, xây dựng cơ bản 47.000 m3/năm; đũa gỗ xuất khẩu 290 triệu đôi/năm.

Nhằm khai thác thế mạnh tiềm năng gỗ rừng trồng hiệu quả hơn, UBND tỉnh đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển chế biến gỗ rừng trồng tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2025, trong đó đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp ngành chế biến gỗ rừng trồng đạt trên 1.300 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 10 năm đạt 4,7%/năm. Tỉnh cũng đã cấp giấy phép đầu tư cho nhà máy sản xuất gỗ MDF, công suất 100.000 m3/năm; khởi công nhà máy bột giấy tại Khu công nghiệp Minh Quân, công suất 50.000 tấn/năm, do Công ty cổ phần Công nghiệp Giấy miền Bắc làm chủ đầu tư với số vốn trên 1.000 tỷ đồng. Trên địa bàn tỉnh đã quy hoạch 5 khu công nghiệp và 13 cụm công nghiệp.

Với việc hình thành và đầu tư xây dựng 3 Khu công nghiệp cấp quốc gia có hệ thống cơ sở hạ tầng điện, đường đến chân hàng rào, Yên Bái đang tạo mọi điều kiện thu hút các nhà đầu tư, góp phần tạo thêm việc làm, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.