Cùng dự buổi làm việc tại Ninh Thuận, có đồng chí Nguyễn Trọng nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Trần Hồng Hà - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ. Dự buổi làm việc còn có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các cơ quan, bộ, ngành Trung ương.
Báo cáo với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Đoàn công tác Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh đã thông tin những kết quả nổi bật sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV; đồng thời kiến nghị, đề xuất một số nội dung công việc về xây dựng cơ chế, chính sách về phát triển năng lượng tái tạo, hình thành Trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng…
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận định: Ninh Thuận vốn được xem là một trong những địa phương khó khăn nhất trong khu vực các tỉnh miền Trung và Nam Trung bộ, song những năm qua (đặc biệt là từ sau Đại hội XIV của Đảng bộ tỉnh đến nay), mặc dù trong bối cảnh cả nước phải đối mặt với ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 và tập trung phục hồi kinh tế sau đại dịch, nhưng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc ở Ninh Thuận đã đoàn kết, sáng tạo, vận dụng tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; đánh giá đúng và khai thác, phát huy tương đối hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Vì thế, Ninh Thuận đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ so với khu vực và cả nước.
Theo đó, tăng trưởng kinh tế của Ninh Thuận trong hai năm đầu nhiệm kỳ đạt bình quân 8,91%/năm; 6 tháng đầu năm 2023 đạt 7,95%. Quy mô nền kinh tế tăng 1,3 lần so với 2020 và đạt 79,7% mục tiêu đề ra. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Khai thác hiệu quả nhiều tiềm năng, thế mạnh về kinh tế biển, năng lượng tái tạo, du lịch, dịch vụ... Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội liên vùng và nội tỉnh được tập trung đầu tư, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh. Chính trị xã hội cơ bản ổn định; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện; quốc phòng an ninh được giữ vững; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường...
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, Ninh Thuận vẫn còn những khó khăn, vướng mắc và hạn chế, yếu kém như báo cáo của tỉnh đã nêu. Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bứt phá ngoạn mục hơn trong thời gian tới, từ góc độ ngành Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị tỉnh Ninh Thuận cần khẩn trương rà soát, cập nhật, điều chỉnh quy hoạch tỉnh trên cơ sở định hướng chiến lược phát triển vùng theo Nghị quyết của Bộ Chính trị và quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia (nhất là các quy hoạch ngành trong lĩnh vực Công Thương đã và đang được Chính phủ phê duyệt); xây dựng chiến lược, đề án phát triển các ngành kinh tế của địa phương … để kịp thời hoàn thiện, trình cấp thẩm quyền phê duyệt, làm căn cứ cho việc triển khai thực hiện.
Chú trọng rà soát, điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất; làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư và bảo đảm an sinh cho người dân nhằm tạo điều kiện thuận lợi, sẵn sàng triển khai các dự án lớn, trọng điểm về kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Ngoài ra, để khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương về năng lượng tái tạo, kinh tế biển, du lịch, dịch vụ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, tỉnh cần rà soát, hoàn thiện những cơ chế, chính sách của địa phương và kiến nghị với Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách cụ thể, đồng bộ, đủ mạnh và khả thi để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào tỉnh. Chủ động tháo gỡ những nút thắt về đất đai, mặt bằng sạch; hạ tầng đồng bộ (cả liên vùng và nội tỉnh); đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển.
Quyết liệt thực hiện cải cách hành chính, nhất là đơn giản hóa thủ tục hành chính và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường công tác hậu kiểm, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp một cách thực chất, tạo thuận lợi, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.
Để phát triển nhanh và bền vững kinh tế địa phương, Bộ trưởng đề nghị cấp ủy, chính quyền tỉnh chú trọng chỉ đạo, thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong các ngành kinh tế; tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người sản xuất về thông tin thị trường và những thay đổi chính sách của nước nhập khẩu, cảnh báo sớm các vụ kiện phòng vệ thương mại và các biện pháp vượt qua các hàng rào kỹ thuật do các nước nhập khẩu đặt ra.
Chú trọng hỗ trợ các vùng trồng, vùng nuôi tổ chức sản xuất theo tín hiệu của thị trường và đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu chính ngạch để khai thác, tận dụng lợi thế của các hiệp định thương mại tự do mà nước ta là thành viên nhằm mở rộng thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu.
Bộ trưởng cũng lưu ý tỉnh khẩn trương rà soát, điều chỉnh các quy hoạch; huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng logistics (cả về đường bộ, đường biển, đường sắt và hàng không) nhằm giảm giá thành sản xuất, nâng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp; quan tâm xây dựng, phát triển thị trường nội địa trên cả 2 kênh thương mại truyền thống và thương mại điện tử.
Về những kiến nghị của tỉnh, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ đối với các kiến nghị, đề xuất liên quan tới ngành Công Thương (như về cơ chế chính sách đặc thù phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Ninh Thuận; cơ chế chính sách phát triển năng lượng tái tạo; về hình thành trung tâm công nghiệp, vùng năng lượng tái tạo liên vùng…) và cho rằng đây là những kiến nghị rất xác đáng, phù hợp với những chủ trương của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tình hình thực tiễn ở địa phương.
Bộ trưởng cũng thông tin thêm về tình hình triển khai các nhiệm vụ Bộ Công Thương được Chính phủ giao, có liên quan đến các kiến nghị của tỉnh như: Xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII; nghiên cứu các cơ chế, chính sách phát triển năng lượng tái tạo và ngành công nghiệp năng lượng; cơ chế mua bán điện trực tiếp…; đồng thời, đề nghị Ninh Thuận từ thực tiễn của địa phương cần chủ động đề xuất và tích cực phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng ở Trung ương để nghiên cứu, đề xuất với cấp có thẩm quyền về những cơ chế, chính sách cụ thể, khả thi, giúp khơi thông các nguồn lực và phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.