Trong ngày 12/9, ông Julian Zhu, chuyên gia phân tích tại tập đoàn Goldman Sachs cho biết, các hoạt động đầu tư vào cơ sở hạ tầng và tài sản cố định đang đóng vai trò chính trong việc thúc đẩy gia tăng nhu cầu hàng hóa của Trung Quốc. Ông Julian Zhu cũng cho biết, giá thép tại Trung Quốc có khả năng tăng cao hơn từ nay đến cuối năm 2013; Trung Quốc hiện là nước sản xuất thép lớn nhất thế giới.
Nhận định của Goldman Sachs đã cho thấy thêm các dấu hiệu về
sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, có thể
sắp chấm dứt. Qua đó gia tăng triển vọng tích cực cho giá các loại hàng hóa như quặng sắt, kim loại cơ bản....
Trong ngày 12/9, tập đoàn ngân hàng Bank of America Merril Lynch (Mỹ) cũng đã nâng mức dự báo về tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2013 lên mức 7,7% so với mức dự báo 7,6% được đưa ra trước đó. Tuy nhiên, trong ngày 11/9, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã cảnh báo các nhân tố cho sự phục hồi nền kinh tế Trung Quốc chưa thực sự chắc chắn; các nhà hoạch định chính sách tại Trung Quốc cũng đưa ra các dấu hiệu cho thấy nước này quyết tâm duy trì mục tiêu tăng trưởng 7,5% trong năm 2013.
Ông Julian Zhu nhận định: “Từ nay cho đến cuối năm 2013, chúng tôi dự báo nhu cầu sử dụng hàng hóa tại Trung Quốc sẽ tiếp tục phục hồi. Hiện tại, lượng hàng hóa dự trữ trong kho tại Trung Quốc ở mức tương đối thấp trong bối cảnh nhu cầu sử dụng đang tăng trở lại do đó quá trình tái tích trữ sẽ tiếp tục diễn ra”.
Trong tháng 8 vừa qua, sản xuất công nghiệp của Trung Quốc đã có mức tăng cao hơn dự báo và hoạt động sản xuất đã có xu hướng tăng trở lại. Điều này đã tăng thêm các dấu hiệu cho tháy nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi trở lại sau 2 quý giảm tốc.
Tính từ đầu năm đến nay, chỉ số Standard & Poor’s GSCI Index, đo lường sự biến động giá của 24 loại hàng hóa, đã có xu hướng biến động nhẹ; trong tháng 7 và tháng 8 vừa qua, chỉ số Standard & Poor’s GSCI Index đã có sự tăng điểm. Theo số liệu của The Steel Index Ltd, giá quặng sắt hàm lượng 62% giao tại cảng Thiên Tân (Tring Quốc), trong ngày 12/9, đã tăng 0,1% đạt mức 135,20 USD/tấn khô; trước đó, giá quặng sắt đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay, xuống còn 110,40 USD/tấn khô trong tháng 5.
Chính phủ Trung Quốc đã sử dụng các biện pháp như gia tăng đầu tư vào hệ thống đường sắt và cắt giảm thuế nhằm đối phó với tình trạng giảm tốc của nền kinh tế. Trong tháng 7, tờ Beijing News đã cho biết, Quốc vụ viện Trung Quốc hiện đặt mục tiêu đầu tư 690 tỷ NDT (113 tỷ USD) vào hoạt động đầu tư tài sản cố định trong lĩnh vực đường sắt trong năm 2013. Điều này đã tác động tích cực đến triển vọng nhu cầu sử dụng thép, quặng sắt và các kim loại cơ bản tại thị trường Trung Quốc.
Trong ngày 12/9, giá thanh cốt thép tương lai trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE) chốt phiên đạt 3,713 USD/tấn; trước đó, trong tháng 8, giá thanh cố thép tương lai đã xác lập mạch tăng kéo dài nhất kể từ tháng 1/2011, tăng 3 tháng.