Tác động của nền kinh tế Trung Quốc đến ngành khai khoáng toàn cầu

Trong một thập kỷ qua, nhu cầu sử dụng kim loại công nghiệp của Trung Quốc đã liên tục gia tăng theo mức tăng trưởng kinh tế của nước này, làm đẩy giá kim loại toàn cầu lên mức cao. Tuy nhiên, khi nền
Dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc

Tập đoàn tài chính Nomura Holdings Inc. (Nhật Bản) vừa đưa ra dự báo, có 30% khả năng tốc độ tăng tưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ sụt giảm mạnh cho đến cuối năm 2014; tập đoàn tài chính Societe Generale SA (Pháp) cũng cho rằng, nền kinh tế Trung Quốc có thể tăng trưởng thấp hơn 6% trong năm nay...

Trong ngày 12/7, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lưu Kế Vĩ đã cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2013 có thể chỉ đạt mức 7%, thậm chí xuống còn 6,5%. Phát biểu trên cho thấy, Chính phủ Trung Quốc đã sẵn sàng đối mặt với kịch bản tăng trưởng thấp nhất trong 23 năm trở lại đây; làm gia tăng nguy cơ “hạ cánh cứng” đối với thị trường hàng hóa toàn cầu, gây tổn thương đến các nước chuyên xuất khẩu kim loại như Australia, Brazil và Nam Phi. Một số tập đoàn khai mỏ lớn trên thế giới như BHP Billiton Ltd (Anh), Rio Tinto Group (Australia)… đã bắt đầu thu hẹp sản xuất.

Trong báo cáo vào ngày 5/7 của hai chuyên gia phân tích của tập đoàn Barclays, Sudakshina và Jian Chang, một kịch bản tăng trưởng xấu đối với Trung Quốc đã đưa ra dựa trên sự sụt giảm của sản lượng công nghiệp và nguy cơ rủi ro tài chính tăng cao từ các khoản nợ của chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, việc áp dụng chính sách cải cách kinh tế của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sẽ khiến nền kinh tế Trung Quốc chịu nỗi đau trong ngắn hạn nhằm đổi lại tăng trưởng bền vững trong dài hạn.

Theo ông Oriville Schell, Giám đốc Trung tâm quan hệ Trung – Mỹ tại Hội châu Á (Asia Society, New York) cho biết: “Tôi không rõ mọi người đã sẵn sàng cho viễn cảnh tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm xuống dưới 7% chưa. Nhưng thật không thực tế khi nghĩ rằng, tăng trưởng kinh tế của một quốc gia có thể liên tục đạt mức 10% hay thậm chí 8% trong một thập kỷ. Nền kinh tế Trung Quốc rồi sẽ phải đối mặt với tình trạng suy thoái trong chu kỳ kinh tế như các nền kinh tế khác”.

Tác động đến ngành khai khoáng

 Trung Quốc là nước tiêu thụ lớn nhất thế giới đối với kim loại công nghiệp và năng lượng. Trong năm 2012, Trung Quốc đã sử dụng hết 646 triệu tấn thép, lớn gấp đôi số thép được sử dụng bởi các nước Châu Á khác cộng lại. Trung Quốc gần đây đã vượt qua Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất với Brazil và Chile; chiếm tới 90% trong tổng số 41 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của Brazil trong năm 2012, các loại hàng hóa chiếm chủ yếu.

Khi nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu hạ nhiệt, giá các loại hàng hóa cũng bắt đầu giảm xuống theo. Giá quặng sắt đã sụt giảm 17% kể từ khi đạt mức cao nhất 16 tháng trong tháng 2/2013. Giá quặng sắt giao ngay tại cảng Thiên Tân của Trung Quốc đã giảm từ mức 158,90 USD/tấn khô trong ngày 20/2 xuống còn 131,70 USD/tấn trong ngày 29/7 – theo số liệu của The Steel Index Ltd.

Trong trường hợp “hạ cánh cứng”, tập đoàn tài chính Societe Generale SA khuyến nghị nên bán ra các hợp đồng mua và quyền chọn mua đồng. Vào ngày 23/7, tập đoàn tài chính Nomura đưa ra dự báo, nếu tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc chỉ đạt mức 5,9% trong năm 2014 thì giá đồng sẽ có thể giảm tới 30%.

Trước tình trạng nền kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc, tân Thủ tướng Australia Kevin Rudd, trong ngày 28/7, đã cho biết cơn khát khoáng sản của Trung Quốc đã chấm dứt. Nhu cầu nhập khẩu khoáng sản của Trung Quốc đã tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế của Australia đạt mức 3%/năm trong một thập niên qua; giao thương với Trung Quốc chiếm tới 10% tổng GDP của Australia.

Các hãng khai khoáng trên toàn cầu, bao gồm cả BHP – hãng khai khoáng lớn nhất thế giới, Rio Tinto và Glencore Xstrata Plc đã buộc phải cắt giảm các dự án trong bối cảnh giá các kim loại sụt giảm khi nhu cầu sử dụng kim loại của Trung Quốc xuống thấp.

Trong tháng 8/2012, hãng BHP đã phải ngưng dự án mở rộng mỏ khai thác đồng – uranium trị giá 68 tỷ USD tại phía Bắc Australia và mỏ khai thác quặng sắt tại phía Tây Australia.

Glencore Xstra – hãng xuất khẩu than đá lớn nhất thế giới trong tháng 5 đã tạm ngưng hoạt động khai thác tại mỏ than trữ lượng 35 triệu tấn ở Australia do tình trạng dư cung và nhu cầu thấp.

Bloomberg dự báo thu nhập ròng trong nửa đầu năm 2013 của hãng Rio Tinto có thể sụt giảm 18% so với mức 4,8 tỷ USD trong cùng kỳ năm ngoái.

Chỉ số Standard & Poor GSCI Spot theo dõi giá của 24 loại hàng hóa thô, đã giảm 4,7% trong tháng 4 vừa qua. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ khi chỉ số này tăng 13% trong tháng 5/2012. Chỉ số quan trọng của ngành khai khoáng - Bloomberg World Mining trong năm nay cũng đã sụt giảm mạnh 28%; trong khi chỉ số chứng khoán S&P 500 đã tăng hơn 18% trong cùng thời kỳ.