Theo tin từ CNBC, theo thỏa thuận đối tác chiến lược giữa hai bên, Google sẽ rót 550 triệu USD tiền mặt vào JD. Đổi lại, Google sẽ nhận hơn 27 triệu cổ phiếu mới được phát hành của JD với giá 20,29 USD/cổ phiếu. Mức giá này tương đương 40,58 USD/cổ phiếu đối với cổ phiếu JD.com lưu ký trên sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq của Mỹ.
Google và JD tuyên bố sẽ cùng nhau phát triển hạ tầng bán lẻ nhằm mang lại trải nghiệm mua sắm tốt hơn cho người tiêu dùng và giảm sự xung đột giữa hai bên ở một số thị trường, bao gồm thị trường Đông Nam Á.
Về phần mình, JD.com cho biết dự kiến đưa một loạt sản phẩm vào bán trực tuyến tại những thị trường như Mỹ và châu Âu thông qua Google Shopping - một dịch vụ cho phép người dùng tìm kiếm hàng hóa trên các trang thương mại điện tử và so sánh giá cả giữa các nhà cung cấp khác nhau. Khi các nhà bán lẻ hợp tác với Google, trang của Google sẽ hiển thị sản phẩm của họ và tạo điều kiện dễ dàng để người tiêu dùng mua những sản phẩm đó trên mạng.
Đối với Google, dịch vụ mua sắm trực tuyến giữ vai trò quan trọng trong việc giành lại những lệnh tìm kiếm hàng hóa đã mất vào tay Amazon và duy trì chỗ đứng trong tương lai của ngành thương mại điện tử đang phát triển nhanh chóng.
Thỏa thuận hợp tác với Google sẽ mở ra cho JD một kênh bán hàng đến người tiêu dùng bên ngoài Trung Quốc, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đang ở mức cao.
JD hiện đang cạnh tranh mạnh mẽ với Alibaba tại thị trường bán lẻ trực tuyến khổng lồ của Trung Quốc. Cả hai đều đầu tư mạnh vào công nghệ và hậu cần để giành khách hàng.
Chẳng hạn, JD đã thử nghiệm dịch vụ giao hàng bằng thiết bị bay không người lái (drone) để vươn tới những vùng nông thôn xa xôi của Trung Quốc trong khi giữ chi phí hậu cần ở mức thấp.
Ngoài Google, JD còn có sự hậu thuẫn của Tencent, một đối thủ lớn của Alibaba. Là một trong những "đế chế" công nghệ của Trung Quốc, Tencent hiện diện trong nhiều mảng, từ mạng xã hội, ứng dụng tin nhắn, thanh toán trực tuyến tới trò chơi.
Mối quan hệ hợp tác với Tencent cho phép JD bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng thông qua ứng dụng nhắn tinWeChat.
Ngoài ra, JD cũng hợp tác với hãng bán lẻ khổng lồ Walmart của Mỹ trong mảng thực phẩm. Theo đó, Walmart đã mở một siêu thị nhỏ nhưng áp dụng công nghệ cao ở Trung Quốc, nơi người tiêu dùng có thể sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) để thanh toán những sản phẩm chủ yếu được bán trên nền tảng trực tuyến JD Daojia, một nhánh của JD, sau đó được giao hàng tận nơi.