Nội dung chủ yếu của văn bản 6029 là góp ý đối với các dự thảo phụ lục của Thông tư, gồm dự thảo Phụ lục về giá sàn nộp ngân sách nhà nước đối với dự án đầu tư có sử dụng đất; dự thảo Phụ lục về hồ sơ mời đàm phán cạnh tranh đối với dự án PPP ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới.
Trên cơ sở tổng hợp, tiếp thu ý kiến của các địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã sửa đổi Phụ lục V Thông tư số 06/2020/TT-BKHĐT.
Trong đó, chỉ áp dụng thống nhất một phương pháp xác định m3, thay vì 2 phương pháp như hướng dẫn tại Thông tư số 06/2020/TT-BKHĐT.
Giữ nguyên công thức xác định giá trị m3 tại Phụ lục V Thông tư số 06/2020/TT-BKHĐT; làm rõ tiêu chí xác định khu đất tham chiếu để tính các giá trị delta G và k; làm rõ việc không xác định cũng như yêu cầu nhà đầu tư nộp giá trị m3 trong trường hợp chỉ có một nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm; bổ sung hướng dẫn về cơ chế phân công trách nhiệm giữa các cơ quan chuyên môn tại địa phương trong việc xác định giá trị m3 trong hồ sơ mời thầu.
Đối với Phụ lục 2 về Mẫu hồ sơ mời đàm phán lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Vì đàm phán cạnh tranh là hình thức lựa chọn nhà đầu tư mới được quy định tại Luật PPP (Điều 38), áp dụng cho dự án ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới nên Mẫu hồ sơ mời đàm phán cạnh tranh tại dự thảo Thông tư được xây dựng trên cơ sở các nội dung:
Một là, về điều kiện để xác định dự án ứng dụng công nghệ cao/công nghệ mới thuộc trường hợp áp dụng hình thức đàm phán cạnh tranh:
Đối với dự án ứng dụng công nghệ cao áp dụng hình thức đàm phán cạnh tranh: Dự án phải đáp ứng điều kiện có sử dụng công nghệ thuộc Danh mục mục công nghệ cao ưu tiên đầu tư phát triển được ban hành kèm theo Quyết định số 38/2020/QĐ-TTg.
Đối với dự án ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch áp dụng hình thức đàm phán cạnh tranh phải thuộc danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao tại Phụ lục I Nghị định số 76/2018/NĐ-CP.
Đối với dự án ứng dụng công nghệ mới áp dụng hình thức đàm phán cạnh tranh phải thuộc danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao tại Phụ lục I Nghị định số 76/2018/NĐ-CP và được Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận là công nghệ mới theo quy định tại khoản 4 Điều 26 Nghị định 76/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018.
Hai là, về giải pháp kỹ thuật, công nghệ cao/công nghệ mới mà nhà đầu tư tham dự thầu đề xuất: Nhà đầu tư chỉ được đề xuất một giải pháp kỹ thuật, công nghệ cao/công nghệ mới, phù hợp với đề xuất về tài chính - thương mại trong toàn bộ quá trình tham dự đàm phán cạnh tranh.
Trường hợp giải pháp kỹ thuật, công nghệ cao/công nghệ mới, phù hợp với đề xuất về tài chính - thương mại, nhà đầu tư sẽ bị loại. Nhà đầu tư được điều chỉnh nội dung đề xuất về mặt kỹ thuật, tài chính - thương mại nhằm mục đích duy nhất là đưa ra được giải pháp triển khai thực hiện dự án mang lại hiệu quả cao hơn nhưng không được thay đổi các đặc điểm cơ bản của giải pháp kỹ thuật, công nghệ cao/công nghệ mới đã đề xuất.
Không quy định về việc xác định dự án ứng dụng công nghệ cao/công nghệ mới theo tỷ lệ % công nghệ được áp dụng hay hạng mục/hợp phần dự án có áp dụng công nghệ cao/công nghệ mới.
Tuy nhiên, trường hợp cần thiết, bên mời thầu có thể xem xét quy định nhà đầu tư phải chào giải pháp/phương án ứng dụng công nghệ, trong đó công nghệ chính (công nghệ cốt lõi) để tạo ra sản phẩm của dự án/để đạt được mục tiêu của dự án phải được xác định là công nghệ cao/công nghệ mới.
Ba là, về tài liệu nhà đầu tư phải nộp để chứng minh quyền sử dụng công nghệ cao/công nghệ mới hợp pháp gồm các văn bản bảo hộ đối tượng sở hữu trí tuệ hoặc đơn đăng ký bảo hộ đối tượng sở hữu trí tuệ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ;
Hoặc hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghệ hoặc hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng công nghệ (trong đó nhà thầu được chuyển giao tiếp quyền sử dụng công nghệ cho bên thứ ba) được đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ và Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ (đối với trường hợp thuộc diện phải cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ).
Bốn là, về cách xác định vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư trong quá trình đánh giá. Vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư được xác định trên cơ sở các số liệu tài chính của nhà đầu tư trong báo cáo tài chính của nhà đầu tư năm gần nhất đã được cơ quan kiểm toán độc lập kiểm toán và Báo cáo tài chính giữa niên độ theo quy định của pháp luật đã được kiểm toán (nếu có).
Trường hợp nhà đầu tư là tổ chức mới thành lập trong năm, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư được xác định căn cứ vào báo cáo tài chính đã được cơ quan kiểm toán độc lập kiểm toán kể từ thời điểm thành lập đến thời điểm tham gia dự án PPP hoặc báo cáo tài chính giữa niên độ tại thời điểm gần nhất tham gia dự án PPP theo quy định của pháp luật đã được kiểm toán.
Đồng thời, đại diện chủ sở hữu, chủ sở hữu hoặc công ty mẹ có văn bản cam kết và báo cáo tài chính chứng minh đảm bảo đủ vốn chủ sở hữu để góp vốn theo phương án tài chính của dự án PPP (nếu có).