Châu Á những năm gần đây đã chứng kiến sự bùng nổ trong công nghệ đặt xe: Uber Technologies, Inc. (Mỹ) tiến quân mạnh mẽ vào Đông Nam Á; Easy Taxi (Brazil) đang nỗ lực tìm chỗ đứng trên thị trường.... Và Grab đã vươn lên vị trí dẫn đầu khu vực này. Ra đời tại Malaysia với tên khai sinh MyTeksi, Grab đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng nhanh chóng mặt tại khu vực Đông Nam Á, tiếp cận được bảy thị trường tại khu vực này chỉ trong khoảng thời gian chưa đầy 5 năm. Ứng dụng Grab cho phép khách hàng tìm kiếm các taxi sẵn có trong khu vực, kết nối với tài xế và biết trước chi phí chuyến đi. Không giống với các ứng dụng chỉ dành riêng cho một hãng taxi, Grab làm việc với tất cả các hãng này. Chính vì lẽ đó, các lái xe được hưởng lợi nhiều hơn bởi thông qua Grab, họ tiếp cận được thêm nhiều lệnh đặt xe và hoạch định lộ trình ở mức hiệu quả nhất.
Ý tưởng tạo ra Grab thành hình từ năm 2011, khi người sáng lập Anthony Tan – theo học Trường Kinh doanh Harvard – cùng cộng sự lập nên thương hiệu MyTeksi tại Kuala Lumpur. Tháng 6/2012 đánh dấu thời điểm MyTeksi chính thức được ra mắt tại thị trường Malaysia với các “kình địch” là Uber và Easy Taxi, thu về thành công ban đầu là 11.000 lượt tải ứng dụng trong ngày đầu ra mắt. Chỉ một năm sau đó, vào tháng 6/2013, Grab đã lập kỷ lục cứ 8 giây có một lệnh đặt xe, tương đương 10.000 lệnh đặt xe/ngày. Tháng Tám trong cùng năm, MyTeksi đổ bộ vào thị trường Philippines dưới tên GrabTaxi. Tháng 10/2013, GrabTaxi có thêm thị trường Singapore và Thái Lan và bốn tháng sau đó là thị trường Việt Nam và Indonesia. Ngày 28/1/2016, GrabTaxi chính thức đổi thương hiệu thành Grab để khẳng định vị trí của hãng tại thị trường Đông Nam Á.
Thành công mà Grab có được, theo người đồng sáng lập Hooi Ling Tan, là nhờ am hiểu thị trường địa phương và phát triển các giải pháp không theo khuôn mẫu. Grab tập trung vào dịch vụ được phân khúc, khu biệt và phù hợp với từng thị trường. Đông Nam Á là một thị trường được phân khúc rõ rệt, với sự đa dạng về ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo. Tại Đông Nam Á, phần đông dân số có thói quen sử dụng tiền mặt, vì thế Grab đã xây dựng hệ thống thanh toán không phụ thuộc vào thẻ tín dụng. Grab mở rộng được thị trường, khi tình trạng taxi hoạt động kém hiệu quả và thiếu an toàn không chỉ là vấn đề tại riêng Malaysia mà còn tại các nước khác trong khu vực.
Ban đầu, nguồn vốn của Grab dựa hoàn toàn vào gia đình người sáng lập Anthony Tan. Vào tháng 4/2014, Grab tiến hành gọi vốn lần đầu tiên với tổng trị giá hơn 10 triệu USD từ Vertex Ventures. Một tháng sau đó, hãng tiến hành gọi vốn lần thứ hai lên tới 15 triệu USD, chủ yếu từ nhà tài trợ CGV Capital. Tháng 10/2014, Grab gọi vốn lần ba 65 triệu USD từ Tiger Global, Vertex Ventures, CGV và “ông lớn” trong lĩnh vực lữ hành của Trung Quốc Qunar. Lượng vốn gia tăng tương ứng sức tăng trưởng mạnh mẽ của Grab. Và tháng Bảy vừa qua Grab đã gọi vốn thành công với trị giá 2,5 tỷ USD. Softbank Group Corp (Nhật Bản) và Didi Chuxing của Trung Quốc (cũng hoạt động trong lĩnh vực chia sẻ xe) là hai nhà đầu tư lớn nhất trong vòng gọi vốn mới nhất này với 2 tỷ USD rót vào Grab. Với số tiền đầu tư mới này, giá trị của Grab đã tăng thành 6 tỷ USD, giúp hãng trở thành startup có giá trị lớn nhất Đông Nam Á.
Grab - đặt trụ sở tại Singapore - hiện là công ty vận tải lớn nhất Đông Nam Á với mạng lưới 1,1 triệu tài xế, chiếm 95% thị trường đặt taxi qua bên thứ ba. Theo kế hoạch, trong thời gian tới, Grab sẽ mở trung tâm liên lạc 24/7 cho cả tài xế và khách hàng, thí điểm tại Myanmar. Thị trường tiêu điểm của Grab hiện nay tiếp tục là khu vực Đông Nam Á, mái nhà của hơn 620 triệu dân.
Grab - Câu chuyện về "công ty vận tải lớn nhất Đông Nam Á"
TCCT
Bắt nguồn từ một ý tưởng trong khi uống trà, những người sáng lập ra Grab – dịch vụ đặt xe điện tử phổ biến nhất hiện nay – đã thực sự tạo nên một cú hích trên thị trường taxi Đông Nam Á.