Theo quan điểm phát triển về công nghệ sản xuất xi măng, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1488/QĐ-TTg ngày 29/8/2011 (Phê duyệt Quy hoạch phát triển xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030) thì “Đến cuối năm 2015 hoàn thành chuyển đổi công nghệ sản xuất xi măng từ lò đứng sang lò quay”.
Tại Hà Nam, công nghệ sản xuất xi măng lò đứng hiện đã đi vào dĩ vãngThực hiện Quyết định này, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành chức năng tìm mọi điều kiện giúp các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất xi măng lò đứng trong tỉnh, có lộ trình chuyển đổi hoạt động phù hợp. Thời gian này, tình hình kinh tế khó khăn cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các nhà máy xi măng lò đứng, vốn có công nghệ lạc hậu, sử dụng vật liệu kém hiệu quả và gây ô nhiễm môi trường.
Chính 2 điều kiện trên đã tạo điều kiện thuận lợi để Hà Nam hoàn thành tốt công tác chuyển đổi 5 nhà máy xi măng lò đứng, vượt dự kiến hơn 1 năm.
Trong số 5 nhà máy xi măng lò đứng tại Hà Nam, Nhà máy X 77 và Kiện Khê đã chuyển đổi sang công nghệ sản xuất khác. Nhà máy Phúc Lộc (tiền thân là Cty Cổ phần Xi măng Tân Phú Xuân) hiện đã tháo dỡ toàn bộ dây chuyền sản xuất và có kế hoạch chuyển đổi ngành nghề kinh doanh. Nhà máy Xi măng Việt - Trung và Nhà máy Xi măng Nội thương hiện đã dừng sản xuất hoàn toàn.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam, UBND tỉnh đã thành lập đoàn thanh tra và đang tiến hành kiểm tra, đánh giá hiện trạng của các nhà máy chưa chuyển đổi để có biện pháp hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề hoặc thay đổi công nghệ phù hợp.