Mục xây dựng dự án là hình thành một tuyến đường vành đai liên vùng giảm ùn tắc giao thông, kết nối Thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh và các địa phương khác thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Dự án được khởi công ngày 25/6 và có tiến độ cơ bản hoàn thành vào năm 2026, đưa vào khai thác từ năm 2027.
Theo quyết định phê duyệt của UBND thành phố Hà Nội, điểm đầu tại Km3+695 trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, thuộc địa phận xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội; điểm cuối tại Km40+500 trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long, thuộc địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.
Toàn tuyến đường có tổng chiều dài khoảng 113,52km, trong đó: tuyến chính dài khoảng 103,82km đi trên địa bàn thành phố Hà Nội (57,52km), tỉnh Hưng Yên (khoảng 19,3km); tỉnh Bắc Ninh (khoảng 27km) và đoạn tuyến 9,7km nối cao tốc Vành đai 4 với cao tốc Nội Bài - Hạ Long.
Dự án đi qua 07 quận, huyện tại TP. Hà Nội gồm các huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và quận Hà Đông. Tỉnh Hưng Yên gồm 04 huyện: Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm. Tỉnh Bắc Ninh gồm 04 huyện, thị xã, thành phố: Thị xã Thuận Thành, huyện Gia Bình, thị xã Quế Võ và TP. Bắc Ninh.
Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn cao tốc, vận tốc 100km/h, giai đoạn 1 đầu tư trước 4 làn xe với bề rộng nền đường 17,0m; bề rộng cầu 17,5m (riêng các cầu vượt sông Hồng, sông Đuống có bề rộng cầu 24,5m và được bố trí thêm 2 làn xe máy và xe thô sơ qua cầu).
Dự án sẽ được đầu tư xây dựng 8 nút giao liên thông hoàn chỉnh. Trong đó 5 nút trên địa bàn TP Hà Nội; 2 nút trên địa bàn tỉnh Hưng Yên; 1 nút trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Đồng thời, dự án đầu tư xây dựng 7 nhánh lên xuống kết nối với đường song hành hai bên. Tổng mức đầu tư của dự án là 56.500 tỷ đồng, huy động bằng hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP).
Tiến độ dự án được chuẩn bị đầu tư năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào sử dụng năm 2027. Với tổng mức đầu tư của dự án là 56.293 tỷ đồng.
Cơ cấu nguồn vốn: Tiểu dự án sử dụng vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng trong dự án PPP: vốn Ngân sách Trung ương là 17.991. tỷ đồng, vốn Ngân sách địa phương là 8.776 tỷ đồng.
Trong đó, đoạn trên địa bàn TP Hà Nội sử dụng nguồn vốn ngân sách TP Hà Nội và ngân sách Trung ương; đoạn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh sử dụng nguồn ngân sách Trung ương. Phạm vi dự án còn lại sử dụng nguồn vốn do nhà đầu tư thu xếp.
Mức giá, phí dịch vụ trên tuyến Vành đai 4 với hình thức thu phí kín, năm cơ sở 2027, mức thu phí cơ sở dự kiến là 1.900 đồng/km/xe tiêu chuẩn. Lộ trình tăng giá vé theo khung mức phí sử dụng dịch vụ đường bộ tạm thời áp dụng tương tự các dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 1 (2017-2020) cho đến thời điểm hoàn vốn.
Thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến là 26,8 năm.