UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 5030/QĐ-UBND, phê duyệt chỉ giới đường đỏ tuyến đường quy hoạch rộng 22m từ Cụm công nghiệp Đình Xuyên đến đường Dốc Lã - Ninh Hiệp - Phù Đổng, tỷ lệ 1/500, qua địa bàn các xã Đình Xuyên, Phù Đổng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội.
Tuyến đường có chiều dài khoảng 1,7km, điểm đầu giao với tuyến đường quy hoạch rộng 25m (tuyến đường đã được xác định chỉ giới đường đỏ tại hồ sơ chỉ giới đường đỏ, tỷ lệ 1/500 tuyến đường theo quy hoạch khớp nổi các tuyến đường hạ tầng khung giai đoạn 2, huyện Gia Lâm (tuyển số 7) được UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 1264/QĐ-UBND ngày 13/4/2022); điểm cuối giao với tuyến đường Dốc Lã - Ninh Hiệp - Phù Đổng.
Hướng tuyến phù hợp với Quy hoạch phân khu đô thị N9, tỷ lệ 1/5000 đã được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 165/QĐ-UBND ngày 9/1/2013.
Quy mô bề rộng mặt cắt ngang đường rộng 22m, gồm lòng đường xe chạy rộng 12m, vỉa hè hai bên rộng 2x5m (thành phần mặt cắt ngang đường sẽ được xác định cụ thể, theo dự án đầu tư xây dựng tuyến đường được cấp thẩm quyền phê duyệt).
Chỉ giới đường đỏ được xác định trên cơ sở tim đường quy hoạch, mặt cắt ngang đường, các thông số kỹ thuật, kích thước và kết hợp với nội suy xác định cụ thể trên bản vẽ.
Các nút giao giữa tuyến đường với các đường ngang khác được thiết kế giao bằng. Chỉ giới đường đỏ tại các nút giao với các đường ngang thể hiện trong hồ sơ này, chỉ xác định sơ bộ và sẽ được xác định cụ thể, bổ sung (nếu có) trong quá trình lập quy hoạch chỉ tiết hai bên tuyến đường hoặc các dự án đầu tư xây dựng các tuyến đường ngang được cấp thẩm quyền phê duyệt.
UBND thành phố giao UBND huyện Gia Lâm chủ trì, phối hợp với Sở Quy hoạch – Kiến trúc và các cơ quan liên quan tổ chức công bố công khai và bàn giao hồ sơ chỉ giới đường đỏ được duyệt cho UBND các xã Đình Xuyên, Phù Đổng để quản lý quy hoạch xây dựng dọc hai bên tuyến đường.
Các đơn vị liên quan tổ chức cắm mốc giới tuyến đường đồng thời với việc thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng trong quá trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường để tránh lãng phí, chồng chéo trong công tác cắm mốc giới.
Đồng thời, các đơn vị phải chịu trách nhiệm tổ chức quản lý các mốc giới, việc xây dựng các công trình hai bên tuyến đường theo chỉ giới đường đỏ, mốc giới được duyệt; Kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm quy hoạch theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
Xem thêm: "Hà Nội đề xuất bổ sung 5 cầu vượt sông Hồng, sông Đà" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Huyện Gia Lâm có 22 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm 2 thị trấn: Trâu Quỳ (huyện lỵ), Yên Viên và 20 xã gồm: Cổ Bi, Đặng Xá, Dương Xá, Phú Thị, Dương Quang, Kim Sơn, Lệ Chi, Đông Dư, Bát Tràng, Kim Lan, Văn Đức, Đa Tốn, Kiêu Kỵ, Yên Viên, Yên Thường, Dương Hà, Ninh Hiệp, Đình Xuyên, Phù Đổng, Trung Mầu.
Theo Quyết định số 1073/QĐ-UBND về việc phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng huyện Gia Lâm đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, huyện Gia Lâm sẽ là khu vực phát triển mới của đô thị trung tâm, kết hợp cải tạo chỉnh trang cơ sở hạ tầng đô thị, là đô thị cửa ngõ phía Đông Bắc của Hà Nội; là nơi tập trung các công trình đầu mối giao thông (đường bộ, đường sắt, đường thủy) và hạ tầng kỹ thuật của quốc gia và thành phố.
Ngoài ra, huyện còn được xác định là trung tâm trung chuyển hàng hóa, trung tâm dịch vụ chất lượng cao phục vụ phát triển công nghiệp phía đông Hà Nội; có các trung tâm đào tạo dịch vụ y tế cấp vùng; trung tâm thương mại tài chính; hành lang xanh của thành phố dọc hai bên bờ sông Hồng, sông Đuống.
Theo bản đồ quy hoạch huyện Gia Lâm đến năm 2030, huyện sẽ tập trung củng cố, duy trì và thu hút các doanh nghiệp đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, phấn đấu đến năm 2030 công nghiệp công nghệ thông tin trở thành một ngành kinh tế có nhiều đóng góp vào tăng trưởng chung của huyện. Trên cơ sở đó, xác định được những khu vực phát triển công nghiệp trên địa bàn huyện với tổng diện tích 214,05 ha, chiếm 5,53% diện tích đất tự nhiên của huyện.
Hiện nay, huyện Gia Lâm có 5 cụm công nghiệp đang hoạt động, với tổng diện tích 145,5ha, gồm: Cụm công nghiệp Phú Thị (nằm trên địa bàn các xã: Phú Thị, Dương Xá); Cụm sản xuất làng nghề tập trung Kiêu Kỵ (xã Kiêu Kỵ); Cụm công nghiệp làng nghề Bát Tràng (xã Bát Tràng); Cụm công nghiệp Ninh Hiệp và Cụm công nghiệp thực phẩm Hapro (xã Ninh Hiệp).
Ngoài ra, Cụm công nghiệp Đình Xuyên đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 2950/QĐ-UBND ngày 15/6/2018. Dự án có diện tích khoảng 7,81ha, ngành nghề hoạt động chủ yếu là sơ chế gỗ, mộc, sơn mài, dịch vụ cho sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp... tổng mức đầu tư xây dựng cụm công nghiệp khoảng 227 tỉ đồng.