Với mục tiêu làm thay đổi nhận thức, thói quen trong cộng đồng về sử dụng điện tiết kiệm, Thành phố đã thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền TKĐ như: tập huấn cho các cơ sở tiêu thụ điện trọng điểm, hộ gia đình; treo banner tuyên truyền về TKĐ; thực hiện các phóng sự, chạy chữ "Khuyến cáo việc sử dụng TKĐ", phát sóng truyền hình thực tiếp "Lễ phát động hộ gia đình tiết kiệm năng lượng". Thành phố tổ chức hội chợ ENTECH HANOI thường niên với chủ đề "Hiệu quả năng lượng - môi trường, hiệu quả kinh doanh, phát triển bền vững", thu hút gần 2,5 vạn lượt khách đến tham quan, ký kết nhiều hợp đồng với giá trị trên 4 triệu USD.
Để thúc đẩy phong trào tiết kiệm năng lượng (TKNL) phát triển sâu rộng, Thành phố đã hỗ trợ 15 cơ sở sản xuất công nghiệp và tòa nhà, lập hồ sơ dự thi Quản lý năng lượng trong công nghiệp và Tòa nhà hiệu quả năng lượng năm 2010 do Bộ Công Thương tổ chức. Kết quả, 6 tòa nhà thực hiện 40 giải pháp TKNL, chi phí tiết kiệm 13 tỷ đồng; 9 cơ sở sản xuất công nghiệp triển khai 66 giải pháp TKNL, tiết kiệm khoảng 14 tỷ đồng; Tòa nhà Ocean Park đạt giải 3 mô hình quản lý năng lượng của ASEAN.
Nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân viên trong tòa nhà, Thành phố đã chỉ đạo Sở Công Thương tổ chức hướng dẫn 93 tòa nhà trụ sở làm việc, 80 tòa nhà thương mại dịch vụ xây dựng báo cáo tình hình sử dụng năng lượng; xây dựng các Quy định về sử dụng điện tiết kiệm như tắt các thiết bị điện không cần thiết khi ra khỏi phòng, thiết kế lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng một cách hợp lý, quy định về sử dụng điều hòa, khuyến khích sử dụng các trang thiết bị TKĐ, dán các tờ rơi về TKĐ tại các phòng, ban của đơn vị...
Thành phố chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với Sở Khoa học & Công nghệ, Tổng công ty Điện lực Hà Nội thực hiện dự án "Điều tra, đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp quản lý và định mức tiêu hao điện năng của các tòa nhà trụ sở làm việc trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2009 - 2010". Dự án đã kiểm toán năng lượng cho 25 tòa nhà trụ sở, xác định mức tiêu hao điện của các trụ sở làm việc cơ quan hành chính, sự nghiệp trung ương và các sở, ngành của Thành phố là 110 kWh/m2/năm (906 kWh/người/năm); trụ sở các UBND quận/huyện là 71 kWh/m2/năm. Với các giải pháp cụ thể, phù hợp cho từng loại hình tòa nhà, dự án đã TKĐ khoảng 1,5 triệu kWh và đã có 8 tòa nhà tham gia cuộc thi tòa nhà hiệu quả năng lượng năm 2010.
Thành phố đã thực hiện kiểm toán năng lượng cho 25 cơ sở là các doanh nghiệp công nghiệp tiêu thụ năng lượng trọng điểm, thuộc các nhóm ngành cơ khí, thực phẩm, vật liệu xây dựng. Qua đó, xác định tiềm năng TKNL trong công nghiệp còn tới 20 - 25%, giúp đơn vị nhận biết được cơ hội TKNL, tính toán phân tích hiệu quả đầu tư, hướng dẫn doanh nghiệp áp dụng các giải pháp theo thứ tự ưu tiên để đầu tư có hiệu quả. Thành phố còn phối hợp với Bộ Công Thương, hỗ trợ đầu tư các hạng mục TKNL cho Công ty Cổ phần cao su Hà Nội, với tổng kinh phí là 2 tỷ đồng. Sau khi thực hiện 7 giải pháp TKNL, đầu tư thay đổi công nghệ, hợp lý hóa quy trình sản xuất, Công ty tiết kiệm được gần 1 tỷ đồng/năm.
Nhằm hỗ trợ làng nghề thực hiện TKĐ, Thành phố chỉ đạo Sở Công Thương triển khai đề án "Điều tra và đánh giá tiềm năng tiết kiệm, hỗ trợ việc sử dụng TKNL tại các làng nghề Dệt trên địa bàn Thành phố". Đề án đã xây dựng mô hình TKĐ trong công nghệ dệt 6 thoi tại Công ty TNHH Dệt may Hoàng Thắng thuộc huyện Hoài Đức, giúp Công ty tiết kiệm chi phí điện gần 500 triệu đồng/năm.
Trong khu vực nội thành hiện có 69.000 đèn chiếu sáng, Thành phố đã đầu tư, thay thế trên 24.000 đèn tiết kiệm điện, trong đó có 6.000 bộ đèn có 2 mức công suất, điều chỉnh điện áp đầu nguồn để vận hành TKĐ trong giờ thấp điểm, đảm bảo TKĐ trong chiếu sáng công cộng.
Triển khai Cuộc vận động phong trào hộ gia đình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả với chủ đề "Sử dụng năng lượng hiệu quả trong mỗi hộ gia đình là tiết kiệm cho các bạn hôm nay và thế hệ tương lai", Thành phố đã tuyên truyền TKNL trực tiếp đến 100.000 hộ dân tại 10 quận nội thành, tổ chức tập huấn cho 2.000 tuyên truyền viên về các giải pháp TKĐ trong hộ gia đình, bước đầu nâng cao nhận thức, giới thiệu kỹ năng, tạo thói quen sử dụng TKĐ trong các hộ gia đình.
Tổng công ty Điện lực Hà Nội đã triển khai các chương trình quảng bá và bán 100.000 bóng đèn compact đến tận tay người tiêu dùng, hỗ trợ người dân sử dụng bình nước nóng bằng năng lượng mặt trời, nhằm thay đổi thói quen sử dụng thiết bị điện tiết kiệm của người dân; thực hiện cắt giảm 50% số đèn chiếu sáng quảng cáo ở các nhà hàng, cơ sở dịch vụ thương mại.
Thông qua hệ thống cung cấp điện lực Thành phố, Tổng công ty Điện lực Hà Nội thực hiện quản lý nhu cầu điện bằng việc giao chỉ tiêu TKĐ cho từng đơn vị điện lực để chủ động lập phương án cung cấp điện, tiết giảm điện hợp lý. Tổng công ty đã lắp đặt 8.000 công tơ điện tử nhiều biểu giá; tăng cường kỷ luật vận hành, kiểm tra lưới điện theo quy định, áp dụng các giải pháp kỹ thuật để giảm sự cố; kiểm tra định kỳ các TBA, các lộ hạ thế theo đúng quy định, kịp thời phát hiện đầy tải, quá tải, thực hiện cân đảo pha...; chủ động làm việc trực tiếp với khách hàng sản xuất lớn, các khu công nghiệp, vận động doanh nghiệp hạn chế sản xuất vào giờ cao điểm, hạn chế các thiết bị không cần thiết, khuyến khích sử dụng máy phát diezen. UBND Thành phố chỉ đạo Sở Công Thương đầu tư lưới điện nông thôn, làm giảm tổn thất điện từ mức 20 - 30% xuống còn 10%.
Thực tiễn triển khai các hoạt động TKNL, TKĐ trên địa bàn Thành phố cho thấy, đây là một lĩnh vực khó, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp. Nhà nước cần quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa để các doanh nghiệp tiếp cận các công nghệ tiên tiến, công nghệ TKNL; cần tổ chức các cuộc thi có uy tín nhằm đánh giá, tôn vinh các doanh nghiệp có giải pháp công nghệ TKĐ, công nghệ "xanh"; thông qua đó đẩy mạnh xã hội hóa công tác đầu tư các giải pháp TKĐ ngay từ cơ sở doanh nghiệp.
Dự báo, năm 2011, kinh tế - xã hội của Thủ đô sẽ phát triển tương đối cao, nên nhu cầu cung cấp điện cũng sẽ tăng hơn so với năm 2010, trong khi đó, khả năng thiếu điện trong năm 2011 có thể khá trầm trọng. Trước tình hình này, Thành phố tập trung vào 3 mục tiêu chủ yếu, đó là: Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện TKĐ (như kiểm toán năng lượng, hỗ trợ đầu tư công nghệ tiêu thụ điện hiệu quả; phổ biến các giải pháp điển hình trong công nghiệp và tòa nhà...); tích cực tuyên truyền TKĐ, thúc đẩy phong trào cuộc vận động hộ gia đình TKĐ trên địa bàn phát triển sâu rộng; tiếp tục Chương trình quản lý nhu cầu sử dụng điện, TKĐ trong cơ quan hành chính, đơn vị công lập; TKĐ trong chiếu sáng, trong các cơ sở dịch vụ,...
Hà Nội: Nhiều hoạt động thực hiện tiết kiệm điện hiệu quả
TCCT
Chương trình tiết kiệm điện (TKĐ) năm 2010 của Hà Nội đã nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, tạo chuyển biến từ nhận thức sang hành động cụ thể để sử dụng năng lượng hiệu quả, h