Được sự chỉ đạo kịp thời, sát sao của Chính phủ, BCĐ 389 Quốc gia, UBND Thành phố và sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành địa phương, các lực lượng chức năng trong BCĐ 389/TP, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đạt được kết quả nhất định, tuy nhiên tình hình buôn lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm ATTP vẫn xảy ra trên địa bàn.
Một số đối tượng tập kết hàng lậu từ nước ngoài vận chuyển về Hà Nội nhằm kinh doanh, buôn bán kiếm lời, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý kịp thời một số vụ việc vi phạm về an toàn thực phẩm như; bánh kẹo, nước giải khát, sữa chua uống, bột pha chế, trà, siro, đường đen… không có chúng từ chứng minh nguồn gốc hàng hoá.
Cụ thể, trong tháng 5 năm 2020, các lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố đã tổ chức thanh kiểm tra 1.262 vụ, xử lý 875 vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, thu nộp ngân sách nhà nước 79 tỷ 152 triệu đồng.
Theo số liệu của Cục Quản lý thị trường Hà Nội, 5 tháng qua Cục đã tập trung chỉ đạo tích cực công tác kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, các loại hàng cấm, hàng giả và gian lận thương mại, trong phòng chống dịch Covid - 19.
Tính đến ngày 18/5/2020, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ số hàng hoá vi phạm là 1.749.614 khẩu trang y tế các loại, trong đó Cục QLTT Hà Nội đã bàn giao trên 300.000 chiếc khẩu trang y tế, 1.500 chai nước rửa tay sát khuẩn đã được kiểm định cho Sở Y tế Hà Nội theo quy định.
Bên cạnh đó, Cục còn thu giữ 4.551 sản phẩm dung dịch cồn các loại; 35.600 đôi gang tay y tế; 2.647bộ quần áo phòng dịch; 185 chiếc kính bảo hộ y tế; 927 chiếc áo phẫu thuật; 605 chiếc thẻ đeo khử khuẩn; 847 chiếc nhiệt kế điện tử nhập lậu.
Liên quan tới công tác chống buôn lậu, Công an thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch, xác lập chuyên án đấu tranh, nắm bắt tình hình tuyến, địa bàn, đối tượng nhằm triệt phá các đường dây, ổ nhóm tụ điểm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, phát hiện bắt giữ, xử lý nghiêm các đối tượng chủ miu, cầm đầu.
Đặc biệt, chỉ đạo lực lượng Cảnh sát môi trường và các phòng nghiệp vụ liên quan tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển động vật hoang dã trái phép nhằm góp phần ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Kịp thời phát hiện và xử lý 117 vụ, xử lý 94 vụ, xử phạt hành chính 845 triệu đồng; truy thu thuế 13 tỷ 841 triệu đồng, trị giá hàng vi phạm 4 tỷ 310 triệu đồng, khởi tố 01 vụ đối với 3 đối tượng.
Ngoài ra Cục Hải quan Hà Nội đã ban hành kế hoạch số 560/KH-HQHN ngày 03/3/2020 về phòng chống ma tuý trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2020. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả đối với hàng hoá xuất nhập khẩu, kiểm soát buôn lậu, vận chuyển trái phép các loại động vật hoang dã, sản phẩm từ động vật hoang dã, gỗ quý hiếm, thịt đông lạnh, thuốc lá…; kiểm soát chặt chẽ các địa bàn do hải quan kiểm soát, đặc biệt là khu vực sân bay quốc tế Nội Bài, phối hợp với cơ quan chức năng kiểm soát người nhập cảnh qua các cửa khẩu hàng không.
Đã phát hiện bắt giữ, xử lý 125 vụ, phạt hành chính 28 tỷ 803 triệu đồng; truy thu thuế 328 triệu đồng; hàng vi phạm 5 tỷ 855 triệu đồng, ra quyết định khởi tố 03 vụ đối với 03 đối tượng.
Để tiếp tục triển khai hiệu quả trong những tháng tiếp theo Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội đã chủ động, kịp thời ban hành các văn bản, kế hoạch để chỉ đạo các sở, ngành, lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân, trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng chống dịch.
Bân cạnh đó, Ban chỉ đạo cũng tăng cường công tác trao đổi thông tin, phối hợp tốt với các lực lượng chức năng ở Trung ương và các lực lượng chức năng tại Hà Nội, và các địa phương khác, nhất là các tỉnh biên giới trọng điểm để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hoạt động vận chuyển hàng nhập lậu từ biên giới, cửa khẩu về Hà Nội để tiêu thụ, phân phối, tập trung vào cả 3 tuyến đường bộ, đường sắt, hàng không.
Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thông qua các vụ việc xử lý để cảnh báo cho người dân các phương thức làm ăn phi pháp, gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của nhân dân, gây thiệt hịa về kinh tế cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp.