Thực hiện văn bản số 1189/UBND-KGVX ngày 9/4/2020 của UBND thành phố Hà Nội về việc xử lý vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Cục Quản lý thị trường (QLTT) thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các Đội QLTT, đặc biệt là các Đội trên địa bàn các quận nội thành tăng cường công tác quản lý theo lĩnh vực, địa bàn được giao.
Đồng thời, đơn vị đã chủ động tham mưu UBND quận, huyện, thị xã phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn rà soát, tuyên truyền, tiếp tục yêu cầu tạm đình chỉ toàn bộ hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, trừ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đến hết ngày 15/4/2020.
Bên cạnh việc tăng cường quản lý theo lĩnh vực, Cục QLTT đã phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội tiến hành rà soát, kiểm soát các chợ và Trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố để kiểm soát tình hình giá cả và việc cung ứng hàng hóa.
Mặt khác, tuyên truyền đến các đơn vị kinh doanh không tăng giá bất hợp lý, đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thuốc men, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ cho công tác phòng chống dịch, an ninh quốc phòng, và người dân trong mọi tình huống. Xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý các mặt hàng vật tư y tế và lương thực, thực phẩm thiết yếu.
Mặc dù dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt, mua sắm của người dân, song do có phương án dự trữ và cung ứng hàng hóa nhu yếu phẩm kịp thời nhu cầu của nhân dân theo từng cấp độ của dịch bệnh, nhất là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, nước uống, khẩu trang các loại.
Các doanh nghiệp phân phối chủ động dự trữ nên hàng hóa luôn được cung ứng kịp thời, không để tình trạng thiếu hàng hóa diễn ra. Giá cả các mặt hàng thiết yếu không có biến động lớn.
Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra, kiểm soát, lực lượng QLTT Hà Nội đã phát hiện, xử phạt nhiều cơ sở vi phạm, liên quan đến các mặt hàng, thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch.
Điển hình, ngày 8/4/2020, Đội QLTT số 1, Cục QLTT Hà Nội đã phối hợp cùng Đội 7 Phòng PC03 Công an TP Hà Nội, tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh thuộc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Y tế Đức Anh (Công ty Đức Anh) tại địa chỉ số 5 ngõ 178, Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội.
Ngày 10/4/2020, Đội QLTT số 1 đã tiến hành làm việc với bà Nguyễn Thị Hằng, Phó Giám đốc Công ty TNHH In và dịch vụ thương mại Quang Trung (Công ty Quang Trung). Tại đây, bà Hằng xác nhận toàn bộ hàng hóa nhãn QT và 9,4kg Tem giấy dùng để đóng cho bộ sản phẩm nhãn QT tại Đội QLTT số 1 đang tạm giữ của Công ty Đức Anh không phải hàng hóa của Công ty Quang Trung sản xuất.
Bà Hằng cũng khẳng định Công ty Quang Trung không cho phép Công ty Đức Anh đóng gói các sản phẩm trên. Ngoài ra bà Hằng cho biết, 1 bộ sản phẩm thật của Công ty Quang Trung sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng ISO, có giá 90.000 đồng/bộ, nên hàng hóa giả của Công ty Quang Trung đóng gói tại địa chỉ số 5 ngõ 178, Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội sẽ không đạt chất lượng theo yêu cầu.
Căn cứ Hồ sơ và nội dung làm việc, ngày 10/4/2020 giữa Đội QLTT số 1 Cục QLTT Hà Nội và Công ty Quang Trung nhận định Công ty Đức Anh có dấu hiệu đóng gói, sản xuất kinh doanh hàng giả có số lượng 1.850 bộ, với giá trị tương đương hàng thật 90.000 đồng/bộ thì tổng giá trị hàng hóa có dấu hiệu vi phạm 166.500.000 đồng.
Xét thấy sản phẩm có nhãn QT có dấu hiệu hình sự, Đội QLTT số 1 tiếp tục bàn giao toàn bộ Hồ sơ và hàng thành phẩm, hàng bán thành phẩm, và phương tiện là máy hàn nhiệt cho Đội 7, phòng PC03, Công an TP Hà Nội để tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.
Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội cập nhật số liệu xử lý vi phạm hành chính các vụ việc tồn đọng trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 từ 10/3 đến 10/4/2020 với tổng số tiền xử phạt: 385.237.000 đồng.
Tiếp đó, ngày 13/4/2020, Đội QLTT số 4, Cục QLTT Hà Nội phối hợp với Đội Cảnh sát Kinh tế Công An Quận Đống Đa, Hà Nội kiểm tra cơ sở sản xuất kinh doanh mỹ phẩm tại địa chỉ số 66 phố Hoàng Cầu mới, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội.
Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở có 10 công nhân đang thực hiện hoạt động sang chiết vào lọ và đóng gói, dán tem nhãn của các sản phẩm bao gồm: nước xịt khuẩn, nước rửa tay, serum thảo dược trị nám, tàn nhang, serum sexy, bột cám gạo nguyên chất… toàn bộ các sản phẩm nêu trên đều có nhãn ghi “Heaplus”.
Ông Nguyễn Văn Tuấn là chủ kinh doanh của cơ sở không có mặt, và chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ và các giấy tờ liên quan chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa.
Đoàn kiểm tra đã tiến hành niêm phong, tạm giữ toàn bộ số hàng hóa là 2.900 hộp trị nám, 60 lọ bán thành phẩm, 797 chai nước rửa tay, 19 bao vỏ chai, 1000 vỏ hộp nám các loại để tiếp tục xác minh làm rõ vụ việc, xử lý theo quy định của pháp luật.
Sở Y tế thành phố Hà Nội vừa tiếp nhận đợt 3 gồm:
- 27.361 chiếc khẩu trang có chất lượng đạt yêu cầu về vật liệu theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8389-1:2010 về khẩu trang y tế thông thường và tiêu chuẩn theo Quyết định 870 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn kỹ thuật tạm thời kho khẩu trang vải kháng giọt bắn, kháng khuẩn, tiêu chuẩn 7312:2003 - phương tiện cá nhân bảo vệ cơ quan hô hấp - khẩu trang có tấm lọc bụi.
- 253 chai dung dịch rửa tay sát khuẩn đảm bảo chất lượng từ Cục Quản lý thị trường.
Tính cả 3 đợt, Sở Y tế đã tiếp hơn 203.000 chiếc khẩu trang các loại từ Cục QLTT TP. Hà Nội để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID -19.