Kế hoạch nêu rõ, 4 nhóm mục tiêu và 5 nhóm chỉ tiêu để thực hiện nội dung trên, cụ thể, thành phố sẽ mở rộng và đổi mới các hoạt động truyền thông, can thiệp giảm hại và dự phòng lây nhiễm HIV, tỷ lệ người có hành vi nguy cơ cao được tiếp cận dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV đạt 80% vào năm 2030.
Mở rộng và đa dạng hóa các loại hình tư vấn xét nghiệm HIV, đẩy mạnh xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm; tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng biết tình trạng HIV của mình đạt 95% vào năm 2030; giám sát chặt chẽ tình hình diễn biến dịch HIV/AIDS ở các nhóm có hành vi nguy cơ cao.
Thành phố sẽ mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị HIV/AIDS, tỷ lệ người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình được điều trị thuốc kháng vi rút HIV đạt 95%, tỷ lệ người được điều trị thuốc kháng vi rút HIV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế đạt 95%; loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030.
Kế hoạch đề ra 7 nhóm giải pháp thực hiện nội dung trên, gồm: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; đổi mới nội dung tuyên truyền về công tác phòng, chống HIV/AIDS; rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách về công tác phòng, chống HIV/AIDS; phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ; bảo đảm nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS và tăng cường hợp tác quốc tế.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, các cấp ủy trực thuộc Thành ủy, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố, Ban Thường vụ Thành đoàn Hà Nội... tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt, tuyên truyền, thực hiện kế hoạch của Thành ủy; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp, của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô nhằm tạo đồng thuận xã hội trong thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ về công tác phòng, chống HIV/AIDS.