Hà Nội chính thức đóng cầu Long Biên, hạn chế qua cầu Đuống

Với lệnh đóng cầu Long Biên, người đi bộ, đi xe đạp, xe máy, xe ba bánh không được qua cầu nối quận Hoàn Kiếm với Long Biên.
cầu long biên
Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã phát thông báo cấm tất cả phương tiện qua cầu Long Biên bắt đầu từ 15h ngày 10/9/2024 đến khi có thông báo thay thế

Đóng hoàn toàn cầu Long Biên từ 15h chiều 10-9

Do nước sông Hồng lên báo động 1, chiều 10/9, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội đã phát thông báo cấm tất cả phương tiện qua cầu Long Biên bắt đầu từ 15h ngày 10/9/2024 đến khi có thông báo thay thế. Với lệnh cấm này, người đi bộ, đi xe đạp, xe máy, xe ba bánh không được qua cầu nối quận Hoàn Kiếm với Long Biên.

Về phương án phân luồng giao thông, xe cộ nhu cầu đi qua cầu Long Biên lưu thông theo các cầu: Chương Dương, Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Tuy, Thăng Long.

Sở GTVT Hà Nội đề nghị Phòng Cảnh sát giao thông-Công an Thành phố bố trí lực lượng hướng dẫn phân luồng cho các phương tiện tham gia giao thông nhằm bảo đảm an toàn giao thông, tránh gây ùn tắc giao thông. Tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tư đô thị trên tuyến đường, nút giao.

Đồng thời, theo dõi, đánh giá tình hình giao thông đi lại trên tuyến và khu vực để kịp thời phát hiện các bất cập, đề xuất phương án điều chỉnh tổ chức giao thông cho phù hợp.

Sở GTVT Hà Nội cũng đề nghị UBND quận Hoàn Kiếm, Long Biên chỉ đạo lực lượng Công an Quận, chính quyền địa phương bố trí lực lương phối hợp với Thanh tra Sở GTVT Hà Nội, Cảnh sát giao thông TP. Hà Nội và các đơn vị có liên quan để điều tiết, hướng dẫn phân luồng giao thông, tránh gây ùn tắc giao thông.

Tổ chức kiểm tra, xử lý các vi phạm về trật tự an toàn giao thông, lấn chiếm vỉa hè lòng đường phục vụ kinh doanh buôn bán, dừng đỗ xe trái phép gây mất an toàn giao thông, ùn tắc giao thông trên các tuyến đường, nút giao khu vực lân cận.

Đề nghị Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Công ty CP Đường sắt Hà Hải bố trí hệ thống biển báo cấm, barie rào chắn và người hướng dẫn giao thông 2 đầu cầu Long Biên (trên địa bàn Quận Hoàn Kiếm, Long Biên).

Đồng thời, cập nhật thường xuyên tình hình mực nước sông Hồng tại Hà Nội (Long Biên) và tình trạng kết cấu hạ tầng giao thông của cầu Long Biên để báo cáo cơ quan có chức năng và đề xuất phương án giải quyết trong thời gian hoàn lưu sau bão.

9h cùng ngày, ngành đường sắt đã dừng tàu hỏa chạy qua cầu Long Biên, đồng nghĩa 5-6 đôi tàu sẽ phải dừng lại. Các đoàn tàu tuyến Hà Nội - Hải Phòng chuyển sang khai thác tại ga Gia Lâm.

Cũng trong sáng nay, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cấm xe khách, xe hợp đồng, ôtô du lịch trên 9 chỗ, ôtô tải trên 0,5 tấn chạy trên cầu Chương Dương qua sông Hồng từ 8h30 do lo ngại mất an toàn.

Cầu Long Biên bắc qua sông Hồng, khởi công tháng 9/1898, do hãng Daydé-Pillié (Pháp) thiết kế và khánh thành năm 1902. Cầu dài 1.691 m, ban đầu là cầu dàn thép, đường sắt chạy ở giữa, hai bên dành cho phương tiện đường bộ. Trong thời gian chiến tranh, cầu bị hư hỏng một số nhịp, Nhà nước đã gia cố tạm bằng các hệ dầm kỹ thuật. Giai đoạn 1995-2010, cầu Long Biên đã được gia cố sửa chữa với tổng mức đầu tư 116 tỷ đồng.

cầu đuống
Tổng công ty Đường sắt Việ Nam vừa có văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội có phương án hạn chế phương tiện di chuyển qua cầu Đuống

Hạn chế phương tiện qua sông Đuống

Ngày 10/-9, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã đề nghị UBND thành phố Hà Nội có phương án hạn chế phương tiện di chuyển qua cầu Đuống.

Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), cầu Đuống (Km 9+667) nằm trên tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng. Vào lúc 12h ngày 10-9, mực nước tại trạm thủy văn Long Biên là +9,5m, đạt mức báo động số 1, dự báo nước sông tiếp tục lên nhanh. Sáng cùng ngày, ngành Đường sắt cũng đã dừng chạy tàu qua cầu Đuống.

Vì vậy, VNR đề nghị, thành phố Hà Nội hạn chế phương tiện qua cầu Đuống nhằm bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông, an toàn công trình, an toàn chạy tàu.

Trường hợp nước sông Đuống tiếp tục dâng cao đến báo động 2 (+10,5m tại trạm thủy văn Long Biên), đề nghị cấm tất cả người và các phương tiện tham gia giao thông trên cầu Đuống cho đến khi nước rút.

Cầu Đuống là một cây cầu đường bộ và đường sắt bắc qua sông Đuống, trên Quốc lộ 1 cũ, nối phường Đức Giang thuộc quận Long Biên với thị trấn Yên Viên (thị trấn) thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội. Với nhịp giữa có thể xoay được khi thông xe năm 1902, đây được coi là cây cầu xoay thứ hai tại Việt Nam, hoàn thành cùng lúc với cầu Tam Bạc ở Hải Phòng và chỉ sau cầu Quay ở Mỹ Tho, Tiền Giang hoàn thành những năm 1890.

Chiều dài của cầu là 225 mét. Đường sắt trên cầu là loại đường sắt đơn khổ 1435 mm, chạy chính giữa cầu. Hai bên là đường cho các phương tiện giao thông cơ giới và thô sơ đi lại theo hai chiều riêng biệt.

Từ nhiều năm nay, các phương tiện giao thông có trọng tải lớn hơn trọng tải cho phép của cầu vẫn được đi qua vì đây là tuyến giao thông huyết mạch. Điều này khiến cho cầu bị xuống cấp nghiêm trọng.

Khánh Vy