Nước sông Hồng lên nhanh, Hà Nội dừng chạy tàu qua cầu Long Biên

Các đoàn tàu khách tuyến Hà Nội - Hải Phòng sẽ thay đổi lịch trình với ga Gia Lâm là ga xuất phát và kết thúc hành trình.
nước sồng hồng lên nhanh
Mực nước sông Hồng lên cao và chảy xiết, để đảm bảo an toàn cho hành khách sáng 10/9, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) thông báo không chạy tàu qua cầu Long Biên

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (siêu bão Yagi), mực nước sông Hồng lên cao và chảy xiết, để đảm bảo an toàn cho hành khách sáng 10/9, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) thông báo không chạy tàu qua cầu Long Biên.

Theo đó, các đoàn tàu khách tuyến Hà Nội - Hải Phòng sẽ thay đổi lịch trình với ga Gia Lâm là ga xuất phát và kết thúc hành trình.

Hành khách có vé có ga đi từ ga Hà Nội, ga Long Biên di chuyển tới ga Gia Lâm để đi tàu. Hành khách có vé tàu có ga đến là ga Hà Nội, ga Long Biên sẽ kết thúc hành trình tại ga Gia Lâm.

Hôm nay (10/9), các chuyến tàu khách tuyến Hà Nội - Hải Phòng xuất phát và trả khách tại ga Gia Lâm là ga cuối cùng. Từ ngày mai (11/9), sẽ tùy tình hình thời tiết, nhu cầu hành khách để giảm hay duy trì số chuyến tàu.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, hành khách không đi tàu sẽ được hoàn lại tiền vé.

Trước đó, do ảnh hưởng bão số 3, ngành đường sắt thông ngừng chạy tàu 2 mác tàu SE11, SE12 xuất phát tại ga Hà Nội và ga Sài Gòn đến ngày 12/9/2024.

Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, hành khách đã mua vé tàu này, được trả lại vé không thu phí. Để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, đối với hành khách mua vé online, ngành đường sắt sẽ chủ động hoàn trả tiền vé tàu này qua tài khoản. Đối với hành khách mua vé tại ga và đại lý, hành khách có thể trả vé sau ngày tàu chạy tối đa 30 ngày.

Hôm nay 10/9, hai đôi tàu khách SP3, SP4 có hành trình từ Hà Nội lên Lào Cai tiếp tục ngừng chạy. Kế hoạch khai thác lại tuyến sẽ tùy thuộc vào tình hình thời tiết.

Cầu Long Biên vốn là cầu yếu, tốc độ tàu qua cầu hạn chế, chỉ khoảng 15km/h. Tuy mực nước hiện cách mặt cầu còn vài mét, nhưng do nước chảy xiết, dễ ảnh hưởng đến trụ cầu nên đường sắt quyết định dừng tàu.

Hiện mỗi ngày đường sắt có khoảng 14 chuyến tàu đi qua cầu Long Biên, trong đó có 8 chuyến tàu Hà Nội - Hải Phòng; 2 chuyến tàu Hà Nội - Lào Cai; và 4 chuyến tàu hàng.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, hiện đường sắt khu vực Hà Nội đang ngập nặng như ga Giáp Bát không thể tổ chức xếp dỡ hàng hóa, tuyến vành đai Bắc Hồng - Văn Điển không thể chạy tàu nên không đưa hàng giữa các ga Đông Anh, Yên Viên và ga Giáp Bát. Đường sắt đang thông tin tới chủ hàng để thay đổi địa điểm tàu đến xếp, dỡ hàng.

Số liệu quan trắc cho thấy, hồi 9h sáng 10/9, mực nước sông Hồng tại trạm thủy văn An Cảnh là 7,23m, trên mức động 1 là 0,03m.

Thực hiện quy định phòng, chống lũ trên hệ thống sông Hồng, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội lệnh báo động lũ 1 trên sông Hồng tại địa phận các xã ven sông thuộc hai huyện Thường Tín, Phú Xuyên.

Theo Trưởng phòng Dự báo (Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ) Đinh Hữu Dương, trong 24 giờ tới, TP Hà Nội và các vùng lân cận tiếp tục có mưa vừa đến mưa to với tổng lượng mưa tích lũy phổ biến trong khoảng từ 50 - 80mm, có nơi trên 100mm.

Mưa lớn kết hợp mực nước sông lên cao nguy cơ xảy ra sạt lở đất, ngập lụt các vùng trũng thấp, các bãi nổi giữa sông, bãi nổi ngoài đê với thời gian kéo dài, độ sâu ngập từ 0,5 - 1,0m, ảnh hưởng đến an toàn đối với các tuyến đê, vùng ven sông Đà, sông Hồng, sông Cầu, sông Đuống, sông Đáy, sông Cà Lồ.

Đặc biệt chú ý khu vực sông Hồng, sông Đuống nguy cơ cao ngập ven bờ bãi Phúc Xá (Ba Đình), bến đò Ngọc Lâm, 2 bên bờ cầu Long Biên, chân cầu Nhật Tân, cầu Thăng Long, phía sau chợ Long Biên, khu vực Đình Chèm (Bắc Từ Liêm)... 

Khánh Vy