Không phải giờ cao điểm nhưng các tuyến đường như Trường Chinh, Tây Sơn, Chùa Bộc, Nguyễn Trãi, Cầu Bươu, Láng, Khâm Thiên, Giải Phóng, Minh Khai... ùn tắc xảy ra thường xuyên, khiến người tham gia giao thông gặp nhiều khó khăn.
Đường Phạm Văn Đồng, khu vực từ ngã tư Cổ Nhuế đến ngã tư đường Tân Xuân (Xuân Đỉnh) đang thi công đường trên cao nên mặt đường bị thu hẹp, cộng với phương tiện giao thông từ các tỉnh đổ về Hà Nội, xe phục vụ thi công ở các dự án trên địa bàn cũng làm gia tăng ùn tắc trên đoạn đường này, đặc biệt vào các khung giờ từ 7-8 giờ sáng và 16-18 giờ 30 chiều.
Nhiều tuyến đường khác cũng trong tình trạng tương tự. Đoạn vành đai 3 (từ Bến xe Nước ngầm đến đại lộ Thăng Long qua đường Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển) vào các giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều, lượng xe container và xe tải đi vào đây khá nhiều gây ùn tắc cục bộ.
Đường Xã Đàn-Tây Sơn-Tôn Đức Thắng vào những ngày mưa rét, người dân bỏ xe máy chuyển sang đi ôtô nên lưu lượng phương tiện qua lại tăng đột biến, tình trạng ùn ứ xảy ra thường xuyên, khiến phương tiện đi lại rất khó khăn.
Trước thực trạng này, các lực lượng chức năng của thành phố Hà Nội đã và đang nỗ lực triển khai các giải pháp giảm ùn tắc giao thông, bảo đảm cho người dân di chuyển thông suốt, thuận lợi, an toàn dịp trước, trong và sau Tết.
Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, Trần Nhật Quang cho biết lực lượng Thanh tra Giao thông Vận tải phối hợp với Công an thành phố tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phân luồng chống ùn tắc giao thông tại khu vực các bến xe khách liên tỉnh và trên các tuyến đường thuộc địa bàn thành phố. Đồng thời, phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương giải tỏa các vi phạm lấn chiếm lòng đường, hè phố, hàng lang an toàn giao thông, đảm bảo thông thoáng phục vụ giao thông thuận tiện trong dịp Tết và Lễ hội Xuân Kỷ Hợi 2019.
Công an Thành phố Hà Nội đã quyết định tăng cường 24 tổ cảnh sát cơ động với quân số gần 50 cán bộ, chiến sỹ tham gia phân làn giao thông từ ngày 15/1 đến hết ngày 15/2. Các tổ Cảnh sát cơ động phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông tổ chức, hướng dẫn giao thông tại những khu vực có lưu lượng người và phương tiện lớn trong giờ cao điểm. Ngoài giờ cao điểm, lực lượng này tuần tra, kiểm soát, xử lý các lỗi vi phạm trật tự an toàn giao thông trên đường.
Thượng tá Dương Đức Hải, Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông (Công an thành phố Hà Nội), cho biết ngoài việc tuần tra kiểm soát, kiểm tra xử lý vi phạm, đơn vị đã quán triệt đến cán bộ, chiến sĩ phải chủ động tuyên truyền, giáo dục cho người tham gia giao thông các quy định pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Đơn vị cũng phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông và công an các tỉnh lân cận tổ chức phân luồng giao thông từ xa, nhất là trên các tuyến cửa ngõ ra, vào thành phố dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và các lễ hội xuân 2019 để chủ động phòng ngừa ùn tắc với mục tiêu bảo đảm sự bình yên của thành phố, an toàn cho người dân.
Để giải quyết các nút thắt giao thông, trước Tết Nguyên đán, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tiến hành xén dải phân cách giữa đường và vỉa hè để mở rộng bốn tuyến đường nhằm giải quyết ùn tắc giao thông với tổng kinh phí hơn 125 tỷ đồng. Đó là các tuyến đường như Phạm Hùng, đoạn từ nút giao Trần Duy Hưng-Khuất Duy Tiến đến nút giao Mai Dịch; đường Khuất Duy Tiến, đoạn từ nút giao Khuất Duy Tiến-Nguyễn Trãi đến nút giao Khuất Duy Tiến-Trần Duy Hưng; đường Nghiêm Xuân Yên-Nguyễn Xiển, đoạn từ Cầu Dậu đến nút giao Khuất Duy Tiến-Nguyễn Trãi; đường vành đai 2 đoạn từ Cầu Giấy đến Ngã Tư Sở.
Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn, việc xén dải phân cách, mở rộng tuyến đường trên một số tuyến phố thực hiện trong thời gian qua đã bước đầu khắc phục được tình trạng ùn ứ giao thông vào giờ cao điểm. Mới đây, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã cho phép xén dải phân cách trên nhiều tuyến phố; trong đó, có tuyến đường vành đai 2 và 3.
Trong khi các giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu, số lượng phương tiện giao thông cá nhân tiếp tục tăng, ý thức người tham gia giao thông còn hạn chế thì những giải pháp trên trước mắt sẽ góp phần giải tỏa áp lực giao thông cho Hà Nội trong những ngày giáp Tết.
Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, thông thường một đô thị phải dành 20-25% diện tích đất tự nhiên cho giao thông nhưng tỉ lệ này của Hà Nội chỉ mới đạt được khoảng 10%.
Để giảm áp lực giao thông trên các tuyến đường nội đô, bên cạnh các giải pháp trước mắt, thời gian tới, Hà Nội tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; phát triển giao thông công cộng, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân; tổ chức giao thông; tuyên truyền, hướng dẫn giao thông... nhằm giảm thiểu các điểm đen ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn./.
Hà Nội giải tỏa áp lực giao thông trong những ngày giáp Tết
TCCT
Khắp các nẻo đường Thủ đô trong những ngày cận Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, lưu lượng giao thông tăng nhanh; đặc biệt, trong khu vực nội đô khiến tình trạng ùn tắc cục bộ xảy ra trên nhiều tuyến đường.