Hà Tĩnh: NHỮNG BẤT CẬP TRONG VIỆC SỬ DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN Ở DOANH NGHIỆP

Mức độ sử dụng máy tính tại các doanh nghiệp (kể từ khi thành lập) hiện chỉ đạt hơn 70%, trong đó phần lớn mới dừng lại ở việc lưu trữ dữ liệu và soạn thảo văn bản, kế toán, bán hàng... chưa có các ho

Tính đến nay (5/4/2009), tỉnh Hà Tĩnh có hơn 1500 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với quy mô nhỏ và vừa thuộc nhiều lĩnh vực sản xuất và kinh doanh. Đây là tín hiệu mừng cho tỉnh nghèo thuần nông Hà Tĩnh có hơn 80% dân số làm nông nghiệp để từng bước phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo hướng bền vững, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương. Song, trước yêu cầu đổi mới của nền kinh tế hội nhập, cộng đồng doanh nghiệp Hà Tĩnh cũng đứng trước nhiều lợi thế để phát triển nhưng phải đối mặt không ít khó khăn và thách thức. Nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư vốn, đổi mới trang thiết bị sản xuất kinh doanh phù hợp với sự biến đổi của thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Trong đó, công nghệ thông tin là lĩnh vực được các doanh nghiệp rất chú trọng dùng để khai thác cho các hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, nhìn một góc độ khách quan mà nói việc ứng dụng công nghệ thông tin tại các doanh nghiệp hiện nay đang còn yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Qua kết quả khảo sát mới đây của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Tĩnh cho thấy thật sự đáng để mọi người quan tâm: Mức độ sử dụng máy tính tại các doanh nghiệp (kể từ khi thành lập) hiện chỉ đạt hơn 70%, trong đó phần lớn mới dừng lại ở việc lưu trữ dữ liệu và soạn thảo văn bản, kế toán, bán hàng... chưa có các hoạt động gia tăng khác được khai thác từ công nghệ thông tin. Việc xây dựng và quản trị các website quảng bá doanh nghiệp và sản phẩm cũng mới chỉ dừng lại một số doanh nghiệp lớn. Còn giao dịch trao đổi thương mại qua môi trường internet như: email, diễn đàn điện tử, blog, họp trực tuyến, làm việc từ xa qua mạng…chưa thông dụng, mà đơn thuần chỉ khai thác văn bản, đọc báo giải trí... Trao đổi với một số lãnh đạo ban, ngành, tổ chức xã hội tỉnh Hà Tĩnh về những hạn chế ứng dụng công nghệ thông tin của doanh nghiệp, chúng tôi tổng hợp được các nguyên nhân sau:

* Nhận thức về công nghệ thông tin của các doanh nghiệp còn yếu - Đa số các ông chủ, bà chủ doanh nghiệp tỉnh ta đều trưởng thành từ các hộ sản xuất kinh doanh quy mô nhỏ, kinh doanh thương mại và xây dựng, ít doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp hay dịch vụ trình độ cao. Vậy nên việc ứng dụng công nghệ còn thấp, hơn nữa trình độ quản lý còn hạn chế, chưa đủ năng lực sử dụng các công nghệ cao để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

* Trình độ nhân lực trong doanh nghiệp để có thể sử dụng công nghệ thông tin còn thiếu và yếu - Nhiều doanh nghiệp còn phải sử dụng các lao động chuyên môn khác phụ trách việc sử dụng các công cụ công nghệ thông tin. Doanh nghiệp có khả năng về tài chính để đầu tư công nghệ, tuy nhiên lại gặp khó khăn về con người để ứng dụng.

* Môi trường kinh doanh - Hiện các doanh nghiệp chỉ mới ứng dụng công nghệ thông tin cho mục tiêu quản lý nội bộ (lưu trữ, soạn thảo văn bản, kế toán quản trị..), mà chưa hướng đến thị trường. Điều này một phần cũng do môi trường kinh doanh tại tỉnh ta chưa phát triển, hơn nữa là tư duy của doanh nghiệp và người dân vẫn còn theo hướng truyền thống, chưa có các hình thức kinh doanh dựa vào công nghệ thông tin (giao dịch, bán hàng qua mạng, quảng bá sản phẩm qua trang web…).

* Các chương trình hỗ trợ về công nghệ thông tin đối với doanh nghiệp chưa nhiều và chưa hiệu quả - Những năm qua, các chương trình của nhà nước đầu tư nhiều cho khối các cơ quan ban ngành và thu được kết quả khá cao. Tuy nhiên đối với khối doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa được hưởng lợi nhiều từ các chương trình này.

Được biết từ những thực tế trên không chỉ hiện hữu với cộng đồng doanh nghiệp Hà Tĩnh, mà đang trở thành vấn đề thách thức với các tỉnh bạn. Để giải quyết căn bệnh này cần phải có đơn thuốc chữa trị lâu dài bằng cách phối hợp một cách có khoa học và đồng bộ giữa các cấp ngành nhà nước với doanh nghiệp. Song dù công nghệ điện tử có hiện đại và luôn thay đổi đi chăng nữa thì vấn đề nhận thức, cách tiếp cận công nghệ thông tin hiệu quả hay không thì lỗi chính vẫn ở con người là không chịu học hỏi, luôn tự bằng lòng và thoả mãn với hiện tại. Ông Hoàng Trung Thông – Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Tĩnh cho biết: Với vai trò và chức năng hoạt động, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Tĩnh là ngôi nhà chung tập hợp, bảo vệ quyền lợi, đào tạo… hội viên phát triển về mọi mặt. Nắm bắt từ nhu cầu thực tế, trong những năm qua, Hiệp hội đã làm tốt khâu “cầu nối” giữa doanh nghiệp với người lao động qua các hình thức đào tạo, đào tạo theo địa chỉ như: Liên kết với Ngân hàng phát triển Châu Á(ADB); Vụ chế độ kế toán - kiểm toán - Bộ Tài chính; Công ty cổ phần SIS Việt Nam (phần mềm kế toán quản trị doanh nghiệp) và các ban, ngành tỉnh Hà Tĩnh... tổ chức được gần 10 lớp và hội thảo cho khoảng 1000 học viên là giám đốc, kế toán trưởng đến từ các doanh nghiệp huyện, thị, thành phố theo học miễn phí về các chương trình: Khởi sự doanh nghiệp, quản trị kinh doanh, kế toán doanh nghiệp, phổ biến thị trường chứng khoán, ma két tinh ... được học viên đánh giá cao, doanh nghiệp hoạt động thiết thực và hiệu quả. Nhưng xem ra vẫn chưa đáp ứng nhu cầu và sự kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp Tỉnh nhà. Bên cạnh đó cần có sự hỗ trợ tích cực hơn nữa từ phía nhà nước trong việc hỗ trợ đào tạo cho doanh nghiệp về lĩnh vực công nghệ thông tin. Bởi lẽ các doanh nghiệp dù rất quan tâm tới công tác này nhưng với năng lực hạn chế cùng với nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ không tự thực hiện hiệu quả (đẩy nhanh chương trình 191 về công nghệ thông tin). Về phía các trường đào tạo nên xây dựng hệ thống chương trình đào tạo riêng và gần gũi đối với các doanh nghiệp, đối tượng và mục tiêu cần đào tạo của doanh nghiệp khác với các đối tượng đào tạo thông thường…

Thiết nghĩ, lợi ích từ ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động và sản xuất kinh doanh trong các doanh nghiệp vừa nhanh, chính xác, giảm công sức lao động... đem lại hiệu quả kinh tế thì ai thấy rõ. Nhìn xa hơn đến môi trường hoạt động của doanh nghiệp nước ngoài, thậm chí họ tìm đến Việt Nam đầu tư vốn làm ăn thì lĩnh vực về công nghệ thông tin được khai thác triệt để, đem lại hiệu quả kinh tế cao như: điều kiển vận hành nhà máy, quản lý thu chi kinh tế, thiết kế tạo mẫu, lưu trữ dữ liệu....; môi trường internet: giao dịch, chuyển tải văn bản, quảng bá sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp... “Thường trường là chiến trường”, hoạt động sản xuất và kinh doanh trong thời kỳ hội nhập, cạnh tranh, các doanh nghiệp luôn phải tự đổi mới để phát triển, tránh sự tụt hậu, thậm chí dẫn đến phá sản. Trăn trở về những vấn đề này, xin dành lời cho các ông chủ, bà chủ doanh nghiệp tỉnh Hà Tĩnh suy ngẫm.

 

Quốc Tuấn – Thuý Hà