Con đường dương
Để đi vào làng tôi người ta phải qua hai cái cổng: cổng tam quan và cổng làng. Cổng tam quan ngay dưới chân đê. Hồi bé, tôi vẫn ra cổng tam quan chơi. Một cái cổng mà rất nhiều làng quê Việt Nam có. Nhưng rồi người ta cho phá đi cái cổng tam quan và cả cổng làng. Cho đến tận bây giờ, những người làng đã biết cái cổng tam quan và cổng làng đều thấy tiếc. Mỗi lần về quê, khi đến đoạn dốc đê rẽ vào làng tôi lại nhớ cổng tam quan. Nhớ những cây dương sỉ mọc trên nóc cổng, những tổ chim sẻ nâu ríu ran tiếng chim non đang đập đập cánh suốt ngày tập bay. Cổng làng hẹp hơn và thấp hơn cổng tam quan. Hồi còn cổng làng, cứ Tết đến là các cụ già trong làng viết hai câu đối đỏ trên một tấm cót tre để treo hai bên. Mỗi năm, một ông đồ trong làng phải nghĩ ra hai câu đối khác năm trước. Nội dung của hai câu đối đón Tết là nói về một năm làm ăn của dân làng và ước vọng của dân làng về tương lai của làng mình. Cùng với hai bức câu đối đỏ là hai cây đèn. Bây giờ, làng tôi vẫn làm cây đèn để đón Tết hàng năm. Cây đèn là một cây tre to và thẳng. Cách năm gang tay thì lại bọc rơm khô theo hình lọ lục bình để cắm những lá cờ đỏ và hoa bông nhiều màu. Người làng tôi lấy một đoạn tre tươi và vót mỏng đều như tơ thành một bông hoa rồi nhuộm phẩm các màu. Môt thời không có cổng làng thì người làng lấy tre dựng cổng. Khoảng mười lăm năm trước, theo ước vọng của các cụ già, người làng đã dựng lại cổng làng. Các cụ già trong làng yêu cầu con cháu dựng cái cổng làng lại là để dựng lại bốn chữ có trên cổng làng cũ. Đó là bốn chữ VỌNG TỰ NHẬP XUẤT. Một người già biết chữ hán trong làng giải thích cho tôi bốn chữ đó có nghĩa là “ nhìn chữ để biết việc ra vào”. Tôi dịch rộng ra là: CHỮ ở đây chính là văn hóa. NHẬP XUẤT là hành xử. Câu dịch thoáng của tôi là có văn hóa mới biết ứng xử với cuộc đời.
Vào những ngày giáp Tết, con đường dương như đông hơn mọi ngày. Lúc đó, những người làng tôi đi làm ăn xa trở về quê ăn Tết. Những ngày ấy cả làng vui lắm. Cứ thấy bóng người đi từ chân đê về làng là ai đó nhìn thấy cũng hỏi vọng “Về quê ăn Tết đấy à”. Hồi còn nhỏ, thường vào ngày giáp Tết, chị em tôi hay ra cổng làng chờ cha tôi và anh trai tôi về ăn Tết. Những gia đình trong làng tôi có người thân đi làm ăn xa thường quyết định ăn Tết to hay nhỏ phụ thuộc người thân có về ăn Tết cùng gia đình hay không. Tết đến, các gia đình ở làng thường mua chung một con lợn chia ra để ăn Tết. Khi thấy một gia đình năm đó lấy nhiều thịt hơn năm trước thì mọi người vui vẻ hỏi “Năm nay ai về ăn Tết thế ?”. Có những bà mẹ cứ chiều chiều đi ra cổng làng hoặc lên tận mặt đê hai ba lần chờ con về ăn Tết. Và có những đứa con đi biền biệt nhiều năm không thấy về. Với những gia đình không có con cháu về thì coi như không ăn Tết. Họ chỉ làm mâm cơm đơn sơ cúng tổ tiên ông bà chiều 29 hoặc 30 và sáng mồng 1. Đối với họ, đó là một cái Tết buồn.
Người làng tôi chờ những người thân đi xa về ăn Tết bắt đầu từ tết Ông Công, Ông Táo cho đến tận giao thừa. Hồi đó xe cộ đi lại rất khó khăn. Có khi chờ cả buổi không có xe. Bởi thế có những người về ăn Tết rất muộn. Họ về đến nhà cũng là lúc pháo nổ ran đón giao thừa. Và sau khi cúng giao thừa rồi có gia đình vẫn ngóng ra ngõ với hy vọng người thân về ăn Tết.
Một trong những thông tin quan trọng trong những ngày giáp Tết của người làng là thông tin về những người làng đi xa lâu ngày chợt về quê ăn Tết. Bây giờ có điện thoại, những người đi xa thi thoảng gọi về nhà. Nhưng hồi chưa có điện thoại thì có những người đi xa giống như đã ở một thế giới khác. Mỗi làng đều có những người đi biệt tăm có khi tới hàng chục năm mới về. Những người trở về như thế coi như sống lại. Bởi thế mà gia đình họ vui, làng nước cũng vui. Chính thế mà những ngày Tết là những ngày vô cùng lạ lùng trong đời sống người Việt đặc biệt ở chốn thôn quê. Nó gắn kết con người lại với nhau, nó làm lên sự thiêng liêng trong đời sống và nó mang người ta trở về với những ký ức ấm áp và đẹp đẽ.
Con đường âm
Cứ đến giáp Tết là người làng tôi dọn sạch sẽ con đường từ nghĩa trang về đến cuối làng. Con đường ấy là cho những người đã khuất về ăn Tết cùng gia đình họ. Làng tôi có phong tục mời người đã khuất về nhà ăn Tết. Hàng năm, cứ vào ngày cuối cùng của năm là người làng ăn mặc chỉnh tề ra nghĩa trang làng thắp hương cho những người thân đã khuất. Đầu tiên là thắp hương ở khu mộ tổ, rồi khu mộ của chi, rồi đến phần mộ của những người thân trong gia đình. Trên con đường từ làng ra nghĩa trang chiều ấy tấp nập người già, người trẻ và cả trẻ con. Gặp nhau ai cũng nói một câu: “Ông bà/ anh chị ra mời các cụ về ăn Tết đấy ạ”.
Năm nào tôi cũng về quê ăn Tết cho dù lý do gì. Và vào chiều cuối năm ấy, tôi đưa các con các cháu ra nghĩa trang. Khi thắp hương trên phần mộ của ai đó trong gia đình đã khuất, tôi đều kể cho các con tôi nghe về họ. Trên cánh đồng rộng lớn và thanh sạch của một ngày cuối năm và trong mùi hương đầy tôn kính, tôi luôn mang cảm giác nhìn thấy những người thân yêu trong gia đình tôi đã mất hiện lên. Một nhà ngoại cảm nói với tôi rằng đó là sự thật. Khi còn nhỏ, tôi thường sợ những ngôi mộ. Mỗi lần đi qua nghĩa trang của làng là tôi thường nhắm mắt chạy thật nhanh. Nhưng rồi lớn lên, tôi hiểu rằng đó là nơi yên nghỉ của những người làng tôi. Họ đã sống thật bình dị và nhân hậu. Bởi thế mà tôi cảm thấy gần gũi với những ngôi mộ đặc biệt những ngôi mộ của những người thân yêu trong gia đình tôi. Và một sự thật là: mỗi khi đứng trước những ngôi mộ ấy, lòng tôi lại thấy ấm áp lạ thường. Chính vì những câu chuyện về những người thân yêu trong gia đình tôi đã khuất mà tôi đã kể cho hai con tôi trong những buổi chiều cuối năm ấm áp, xúc động và thiêng liêng đã làm cho con gái tôi một sáng tỉnh dậy đã nói với tôi rằng cô bé được gặp cụ nội của cô và cụ nội của cô đã dẫn cô đi chơi chợ Tết.
Sau khi thắp hương khấn mời những người thân yêu trong gia đình về ăn Tết, mọi gia đình trong làng đều sắp một mân cơm cúng tất niên vô cùng thịnh soạn và trang nghiêm. Đó là một trong những bữa cơm ấm áp và thiêng liêng nhất trong một năm. Bữa cơm cúng tất niên không còn là một bữa ăn hay một bữa cỗ nữa mà là một nghi lễ thiêng liêng và thẳm sâu trong đời sống văn hóa và tâm linh người Việt. Bây giờ có một số người không muốn đón những cái Tết như thế nữa. Tôi thực sự có thể tuyên bố rằng: những vẻ đẹp và sự linh thiêng của đời sống đã rời bỏ họ. Chúng ta có một năm với rất nhiều dịp nghỉ, chúng ta có thể đi nghỉ ở đâu đó. Nhưng những ngày Tết thiêng liêng ấy, chúng ta hãy trở về ngôi nhà của mình, trở về với tổ tiên mình, với ông bà cha mẹ mình, trở về với những người ruột thịt. Trở về để nhận ra thêm một lần nữa trong đời rằng: nếu không có những ngày của xúc động, của đợi chờ, của yêu thương và thiêng liêng trong chính ngôi nhà của mình, trên chính nơi chốn của mình thì cuộc sống chúng ta còn có ý nghĩa gì.