Báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Hải Dương cho biết, tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm 2024 của tỉnh Hải Dương ước đạt 9,31%; trong đó, tăng trưởng 6 tháng đầu năm đạt trên 9,81%; quý III/2024 đạt 8,32%. Với mức tăng 9,31%, tăng trưởng của Hải Dương đứng thứ 11/63 cả nước và thứ 4/11 Vùng Đồng bằng sông Hồng.
Nguyên nhân chủ yếu làm tăng trưởng của Tỉnh sụt giảm trong quý III/2024 chủ yếu do ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 3 và tình hình mưa lũ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của một số ngành, lĩnh vực. Ước tính suy giảm sản xuất do mưa bão làm tăng trưởng của tỉnh đã giảm 1,7 điểm% trong quý III; làm giảm 0,5 điểm% tăng trưởng cả năm.
Quý III, sản xuất công nghiệp của Hải Dương tăng 12,5% so với cùng kỳ
Đáng chú ý, mặc dù bị ảnh hưởng của mưa bão nhưng theo số liệu ước tháng 9/2024, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh duy trì tương đương tháng trước và tăng 10,9% so với cùng kỳ. Điểm sáng góp phần vào tăng trưởng công nghiệp của tỉnh là các ngành: sản xuất than cốc (+15,1%); sản xuất thiết bị điện (+29,6); sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu (+44,7%).
"Cơn bão số 3 (Yagi) đã ảnh hưởng trực tiếp đến hầu hết các doanh nghiệp ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh, làm cho một số đơn vị phải tạm ngừng hoạt động do hư hỏng nhà xưởng, kho nguyên liệu, tạm ngừng do sự cố mất điện, nhưng thiệt hại đến sản xuất không lớn", Cục Thống kê tỉnh Hải Dương cho biết.
Ước tính quý III, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tăng 12,5% so với cùng kỳ, trong đó: ngành khai khoáng tăng 2,4%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 15,1%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 7,9%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 4,9%.
Tính chung 9 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh có mức tăng trưởng khá cao (+13,4%). Một số ngành có tỷ trọng lớn, sản lượng sản xuất tăng cao, tác động nhiều đến mức tăng chỉ số chung của toàn ngành:
Ngành sản xuất các sản phẩm điện tử tăng 11,8%, tác động làm chỉ số chung tăng 2,6 điểm%;
Ngành sản xuất xe có động cơ (chủ yếu là sản xuất bộ phận phụ trợ) tăng 13,2%, tác động làm chỉ số chung tăng 3,0 điểm%;
Nhóm ngành dệt, may mặc, giày dép tăng lần lượt là 28,6%; 13,2% và 9,0%; cùng tác động làm chỉ số chung tăng 1,4 điểm%. Các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản đang có xu hướng phục hồi; đồng thời, xu hướng chuyển dịch đơn hàng từ Trung Quốc, Bangladesh đã giúp nhiều doanh nghiệp trong ngành trên địa bàn tỉnh ký được đơn hàng đến hết năm, một số doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết quý I/2025. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp mở rộng nhà xưởng như dự án Tinh Lợi 3, Best Pacific, Quốc tế Ngân Tường cũng góp phần tăng sản lượng của ngành.
Sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 11,6%, tác động làm chỉ số chung tăng 0,7 điểm%;
Sản xuất thiết bị điện tăng 41,8%, làm chỉ số chung tăng 1,4 điểm%. Các thị trường xuất khẩu có sự phục hồi đáng kể và nhu cầu xây dựng dân dụng trong nước có xu hướng khởi sắc đã các yếu tố giúp ngành này tăng trưởng;
Ngành sản xuất kim loại tăng 11,6%, làm chỉ số chung tăng 0,7 điểm%. Do nhu cầu xây dựng dân dụng và dự án đầu tư công tăng dần nên sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của Hòa Phát ở cả 3 miền đều tăng. Bên cạnh đó một số doanh nghiệp mở rộng nhà xưởng cũng góp phần tác động đến tăng trưởng của ngành như Nhôm Đông Á, Shinyang Metal Việt Nam;
Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,9%, làm chỉ số chung toàn ngành công nghiệp tăng 0,9 điểm%. Năm nay, do mùa mưa lũ về sớm, trái ngược với tình trạng thiếu hụt nước của năm trước nên các nhà máy thủy điện được ưu tiên phát tối đa công suất, làm sản lượng điện trong quý III của Hải Dương giảm 11,0% so với cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh đó, cũng còn một số ngành công nghiệp gặp khó khăn do nhu cầu thị trường phục hồi chậm, làm ảnh hưởng đến tăng trưởng chung; đó là: Ngành sản xuất các sản phẩm từ khoáng phi kim loại (xi măng, gạch ngói), giảm 7,3%, làm chỉ số chung giảm 0,2 điểm%. Nguồn cung dư thừa, thị trường xuất khẩu khó khăn nên hầu hết các doanh nghiệp sản xuất xi măng, gạch, ngói trên địa bàn tỉnh phải ngừng lò, giảm công suất và cắt giảm lao động; Các ngành khai khoáng, sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị lần lượt giảm 0,3% và 0,9%; nhưng quy mô nhỏ nên ít làm giảm chỉ số chung không đáng kể.
Lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tăng
Tình hình sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương tại thời điểm 30/9/2024 ước tăng 0,4% so với tháng trước, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 9 tháng đầu năm tình hình sử dụng lao động tăng 2,3% so với cùng kỳ; các ngành tăng so với cùng kỳ là: Sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 4,0%; Dệt tăng 6,7%; Sản xuất trang phục tăng 3,5%; Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 6,2%; Sản xuất cao su và plastic tăng 5,1%; Sản xuất điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 2,1%; Sản xuất thiết bị điện tăng 6,2%; Sản xuất xe có động cơ tăng 1,5%; Sản xuất máy móc thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 2,1%. Các ngành có chỉ số sử dụng lao động 9 tháng giảm là: sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 6,7%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị giảm 4,5%.