Cụ thể, 6 điểm bắn tầm cao gồm: Hồ Hoàn Kiếm (trước trụ sở Báo Hànộimới); Vườn hoa Lạc Long Quân; Công viên Thành tích Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình; Đảo Tượng đài Bác Hồ và Bác Tôn tại Công viên Thống Nhất; Hồ Văn Quán - Hà Đông; Thành cổ Sơn Tây, thị xã Sơn Tây. Mỗi điểm bắn pháo hoa tầm cao bắn 500 quả và 60 dàn tầm thấp.
24 điểm bắn pháo hoa tầm thấp gồm: Hồ Ngọc Khánh, quận Ba Đình; Công viên hồ Đền Lừ, quận Hoàng Mai; Trung tâm thương mại Vincom, quận Long Biên; Bán đảo hồ Hoàng Cầu, quận Đống Đa; Công viên Cầu Giấy, quận Cầu Giấy; Công viên hồ điều hòa Nhân Chính, quận Thanh Xuân; Cầu sông Pheo, quận Bắc Từ Liêm; Khu đô thị 31ha thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm; UBND huyện Mê Linh; Sân vận động Quảng Oai, huyện Ba Vì; Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện Thanh Trì... Mỗi điểm bắn pháo hoa tầm thấp bắn 120 giàn.
Thời lượng bắn là 15 phút, bắt đầu từ 0 giờ đến 0 giờ 15 ngày 5/2 (tức đêm Giao thừa Tết Kỷ Hợi). Tại các điểm bắn pháo hoa, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức các hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể thao, cổ động tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân Thủ đô.
Nhân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với các cơ quan, đơn vị, làng nghề tổ chức một số hoạt động trưng bày, triển lãm, văn hóa truyền thống tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long, phục vụ nhân dân đón xuân, vui Tết.
Theo Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Lễ hội ông Công ông Táo, dựng cây Nêu diễn ra vào ngày 26/1 (21 tháng Chạp năm Mậu Tuất); Biểu diễn múa rối nước từ 7 - 10/2 (mùng 3 đến mùng 6 Tết lúc 10h và 15h); Các hoạt động dành cho thiếu nhi từ 7 - 10/2 và 16 - 17/2); Lễ dâng hương khai xuân vào ngày 13/2 (mùng 9 Tết).
Thời gian tham quan từ từ 8h - 17h hàng ngày trừ các ngày nghỉ 3, 4, 5/2 (ngày 29, 30 tháng Chạp năm Mậu Tuất và mùng 1 Tết Kỷ Hợi); Mở cửa phục vụ khách tham quan khu di sản từ ngày 6/2 (mùng 2 Tết Kỷ Hợi).
Ngoài ra, không gian điện Kính Thiên được trang hoàng lộng lẫy với cờ hoa, quạt, theo phong cách cổ truyền, gợi nhớ hoàng cung xưa kia. Quảng trường hoa lần đầu tiên được sắp đặt tại Đoan Môn với chủ đề “Thăng Long đón Xuân, muôn hoa hội tụ”, kết nối hài hòa với vườn chong chóng đầy sắc màu diệu kỳ và hoa đào, hoa hướng dương khoe sắc rực rỡ.
Một không gian trưng bày gợi nhớ Tết xưa với chủ đề “Hương Xuân” cũng được tái hiện tại Nhà đón tiếp 19C Hoàng Diệu với nhiều hình ảnh sinh động như: Nghênh rồng ngày xuân, xin chữ thư pháp và thú chơi câu đối Tết, mô hình nấu rượu hoa tiến vua, tranh dân gian Tết, gian hàng bao cấp ngày Tết và nghệ thuật gấp giấy Origami hình các con giáp.
Điểm nhấn của trưng bày là giới thiệu nét văn hóa ngày xuân trong thưởng thức rượu Tết, bánh Tết và mô hình nấu rượu hoa ngày Tết. Phong vị ngày Tết đậm đà hơn cùng thứ rượu quý được chưng cất công phu, cầu kỳ và bánh phục linh, loại bánh đã từng là sản vật dâng tiến vua chúa thời xưa.
Du khách cũng được trải nghiệm không khí lễ hội ngày xuân linh thiêng, rạng rỡ của mảnh đất nghìn năm văn hiến; lắng đọng cùng thời khắc tiễn năm cũ đón năm mới, với nhiều nghi thức truyền thống được tái hiện như: Lễ dựng cây nêu; lễ ông Công, ông Táo, thả cá chép; lễ phất thức; lễ dâng hương khai xuân.
Đặc biệt, các du khách nhí sẽ được trải nghiệm chợ Tết, tìm về Tết xưa qua các trò vui dân gian, viết chữ thư pháp, làm hoa Tết, ghép tranh vải, nặn tò he và thưởng thức các tiết mục múa rối nước.
Để quảng bá cho chương trình Tết “Vui xuân Kỷ Hợi 2019: Sắc thái văn hóa Bắc Giang”, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cũng tổ chức hoạt động “Khám phá tết Việt” ngày 25/1.
Điểm nổi bật trong hoạt động “Khám phá Tết Việt” năm nay là có sự tham gia của các nghệ nhận đến từ Bắc Giang. Du khách được chìm đắm trong những làn điệu quan họ Thổ Hà mượt mà, sâu lắng của những liền anh, liền chị; Tham gia trò chơi dân gian cầu móc sôi động của người Việt ở Bắc Giang và khám phá văn hóa ẩm thực qua một số đặc sản địa phương.
Bên cạnh đó, khách tham quan, đặc biệt là các em nhỏ có cơ hội khám phá những nét văn hóa trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc qua một số hoạt động như: gói bánh chưng, viết thư pháp, in tranh Đông Hồ, chơi các trò chơi dân gian của một số dân tộc Tày, Thái, Sán Chay, Hmông, Dao… Các hoạt động có sự tham gia hướng dẫn của các nghệ nhân đến từ Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nội.
Ngày 26/1, CLB Đình Làng Việt sẽ tổ chức chương trình “Tết Việt xuân Kỷ Hợi 2019” tại đình làng Lệ Mật (Long Biên, Hà Nội).
Chương trình bao gồm nhiều hoạt động trải nghiệm không gian văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực hấp dẫn, như: Thực hành gói bánh chưng, lễ cúng ông Công, ông Táo, lễ dựng cây nêu ngày Tết, hát Cửa đình… Cùng với đó, chương trình còn bao gồm nhiều hoạt động phong phú khác như: Tọa đàm văn hóa Tết Việt; trình diễn nghệ thuật Thư pháp, tranh dân gian; nói chuyện về phong tục tập quán địa phương…
Đây là hoạt động được CLB Đình làng Việt tổ chức thường niên nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của người Việt, giúp giới trẻ hiểu và yêu hơn giá trị di sản cha ông để lại, từ đó có ý thức trong việc gìn giữ, phát huy những giá trị quý báu đó.