Cũng nhờ những thành tích trong lĩnh vực kinh tế và phát triển nguồn lực mà mới đây Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 12 trong xếp hạng Chỉ số quyền lực châu Á năm 2020.
Chuyên gia Kinh tế trưởng Worldbank tại Việt Nam – Ông Jacques Morisset cho rằng: “Covid-19 thậm chí còn đang tạo ra những lợi thế về xuất khẩu và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu cho Việt Nam. Hầu hết các nhà máy ở Ấn Độ, Bangladesh đã đóng cửa vì dịch, đây là cơ hội để trong tương lai thế giới sẽ sử dụng điện thoại, máy tính sản xuất tại Việt Nam”.
Theo Worldbank, Việt Nam đang có những chỉ số rất ấn tượng về phát triển công nghiệp, doanh số bán lẻ và đặc biệt là kết quả xuất siêu đạt 17 tỷ USD sau 9 tháng trong bối cảnh các nước lớn vẫn đang phải gồng mình chống dịch. Bên cạnh đó từ mặt hàng gạo cho đến sản phẩm xuất khẩu chủ lực là điện tử cũng đang góp phần tạo ra triển vọng cho GDP có thể đạt mức 2,5 đến 3% trong năm nay.
Có cùng nhận định về mức tăng trưởng trong năm nay, những báo cáo mới đây của Fitch Solutions đã đưa ra dự đoán trong năm tới kinh tế Việt Nam có thể bật tăng đạt 8%, giữ vững vị thế quốc gia tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực ASEAN.
Tuy nhiên không phải không có rủi ro có thể kéo giảm mức dự báo lạc quan này. Với độ mở lớn, nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc vào lực cầu từ thị trường quốc tế - vốn vẫn đang gặp khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh do đó tốc độ phục hồi ngành sản xuất Việt Nam dự báo vẫn sẽ chậm lại.
Theo Jason Yek - chuyên gia Phân tích rủi ro Khu vực Châu Á của Fitch Solutions: “Chính phủ Việt Nam cũng cần lưu ý đến chính sách tài khóa vì thu ngân sách đang ít đi nhưng lại chi nhiều để thúc đẩy nền kinh tế. Ngoài ra còn tồn tại rủi ro tài chính do ngân hàng tăng thanh khoản cho doanh nghiệp, người dân quá lâu sẽ tạo ra nhiều tác động tiêu cực nhất là tại các ngân hàng yếu”.
Một rủi ro lớn mà cộng đồng chuyên gia quốc tế cũng đang cảnh báo tại Việt Nam là rủi ro xã hội . Theo mẫu khảo sát trên khoảng 1 triệu người tại Việt Nam của Worldbank, 23% hộ gia đình đang mất toàn bộ của cải và kế sinh nhai. Vì vậy, chính phủ Việt Nam cần sớm xác định nhóm người này là ai, nên xây dựng chương trình nào để giúp đỡ họ, làm sao để vừa ngăn chặn dịch bệnh vừa đảm bảo điều kiện sống cho người dân nhất là người yếu thế. Đó cũng là điều kiện thiết yếu để đảm bảo nền kinh tế hồi phục một cách toàn diện – bền vững.
Vì vậy, Việt Nam cần cân bằng giữa mục tiêu kiểm soát tốt dịch bệnh và phục hồi kinh tế để giảm nguy cơ gặp phải những rủi ro mà các chuyên gia kinh tế đã dự báo. Đồng thời giữ vững vị thế là quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng đầu khu vực.