Hàng Việt Nam vào EU vẫn tăng mạnh

Dù đang phải vấp phải nhiều rào cản, song hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này đã tăng từ mức 2,3 tỷ euro năm 2003 lên 7,7 tỷ euro vào 2009 và 2 tháng đầu năm 2010 đã đạt trên 1,4 tỷ eur

Số liệu trên được ông Hans Farnhammer, Bí thư thứ nhất phụ trách các hoạt động trợ giúp thương mại của Phái đoàn EU tại Việt Nam cho biết tại Hội thảo “Rào cản thương mại với các Hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp Việt Nam” do Văn phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam phối hợp với EuroCham tổ chức sáng 23/6, tại Hà Nội.

Ông Farnhammer cũng cho biết các các tiêu chuẩn kỹ thuật đưa ra ngày càng nhiều và khắt khe hơn nhưng điều đó không gây khó khăn cho các nhà xuất khẩu Việt Nam mà ngược lại còn nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Ông Phan Thế Ruệ, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại cho rằng, trong các thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam gặp phải khi thâm nhập thị trường EU có việc công bố xuất xứ hàng hóa xuất khẩu. Bởi lẽ, các ngành mũi nhọn trong xuất khẩu như dệt may, da giầy, đồ gỗ,.. của nước ta dựa vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu (khoảng 70-85%).

Nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng cũng đồng nghĩa với việc số lượng tranh chấp của Việt Nam sẽ ngày càng nhiều, do đó, theo ông Phan Thế Ruệ, cần phải có những trợ giúp pháp lý ngay từ đầu khi doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, trước hết các doanh nghiệp cần tập trung nghiên cứu kỹ các Hiệp định thương mại tự do đa phương, song phương, các hệ thống pháp luật của các nước đối tác và đặc biệt là cần sử dụng tham vấn về pháp luật ngay từ khâu chuẩn bị đàm phán cho đến khi thực hiện hợp đồng hay tranh chấp.

Nhấn mạnh về yếu tố thông tin, GS Claudio Dordi, Trưởng nhóm chuyên gia tư vấn “Dự án Hỗ trợ thương mại đa biên- giai đoạn III” cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu về các tiêu chuẩn thương mại ngay từ đầu.

Ông Claudio Dordi cho rằng việc tăng rào cản nhằm nâng cao chất lượng hàng hoá, đồng thời khẳng định việc tiếp cận thị trường và sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam tại châu Âu vẫn rất tốt, tiêu biểu là mặt hàng dệt may từ Việt Nam vẫn chiếm tỉ lệ lớn trong tổng số nhập khẩu của EU