Thay đổi hành vi mua sắm
Ngay từ khi bắt đầu triển khai CVĐ, Sở Công Thương và trực tiếp là Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh Kon Tum đã thông qua các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, từng bước làm chuyển biến nhận thức và tính tự giác của các cấp, các ngành tiêu dùng hàng Việt. Các cơ quan, đơn vị khi trang bị, mua sắm tài sản công đã ưu tiên lựa chọn những sản phẩm, dịch vụ là hàng sản xuất tại Việt Nam. Đa số người tiêu dùng đã nhận thức được tầm quan trọng của việc ưu tiên dùng hàng Việt, mang lại giá trị kinh tế thiết thực cho địa phương, giúp doanh nghiệp sản xuất trong nước có cơ hội phát huy thế mạnh trong sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng hàng hóa, mở rộng thị trường nội địa, từ đó thay đổi hành vi trong mua sắm. Người tiêu dùng có sự đắn đo, so sánh giữa giá cả và chất lượng của hàng Việt Nam với hàng ngoại nhập để mua sắm phù hợp với túi tiền. Tâm lý “sính hàng ngoại” một thời từng là mốt mua sắm của nhiều người, nay đã giảm đáng kể. Qua khảo sát tại 02 siêu thị, các chợ đầu mối, một số trung tâm thương mại của các huyện, thành phố và các quầy tạp hóa ở khu vực nông thôn trên địa bàn, có khoảng 80% hàng hóa được bày bán là hàng Việt với chủng loại phong phú, đa dạng.
Bên cạnh đó, các cấp lãnh đạo tỉnh Kon Tum cũng không ngừng nỗ lực thực hiện sửa đổi, bổ sung, ban hành cơ chế, chính sách để nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà sản xuất, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, tăng sức mua sắm của người tiêu dùng. Tiêu biểu như huyện Đắk Hà đã ban hành Nghị quyết về quy trình thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm cà phê, hình thành ngân hàng cộng đồng để hỗ trợ lương thực, vốn, phân bón cho người dân thời điểm giáp hạt; huyện Kon PLông, thành phố Kon Tum có chính sách xây dựng và phát triển các sản phẩm truyền thống...
Phát triển nhiều thương hiệu hàng Việt
Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, bình ổn giá ở Kon Tum được chú trọng, đã tạo được ấn tượng tốt đẹp. 12 doanh nghiệp tham gia chương trình, với 61 chuyến hàng Việt về nông thôn, 33 điểm bán hàng lưu động tại các xã, thị trấn vùng sâu, vùng xa đã đem lại doanh thu bán hàng trên 5,2 tỷ đồng, thu hút hơn 40.000 lượt khách tham quan, mua sắm. Đây không chỉ là cơ hội cho các doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm với cộng đồng mà còn là dịp để doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, tạo nên mối liên hệ giữa người tiêu dùng và hàng hóa trong nước; đồng thời giúp cho người dân vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa có cơ hội tiếp cận nhiều chủng loại hàng Việt với “Chất lượng tốt, giá cả mềm”, có nguồn gốc rõ ràng.
Cùng với việc tham gia hưởng ứng CVĐ, nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh quảng bá, đưa hàng hóa Việt Nam có chất lượng sang các thị trường Lào, Campuchia và Thái Lan. Một số sản phẩm, hàng hóa Việt Nam đã từng bước gây dựng được thương hiệu, tạo ấn tượng tốt với người tiêu dùng và chiếm lĩnh thị trường nước bạn.
Tích cực hưởng ứng CVĐ, Kon Tum đã xuất hiện thêm nhiều doanh nghiệp năng động đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu, đưa hàng hóa đến với người tiêu dùng. Điển hình như Công ty CP Gạch Ngói gốm Xây dựng Mỹ Xuân là nhà sản xuất và cung cấp chuyên nghiệp hàng đầu ViệtNamvới các sản phẩm ngói lợp, ngói trang trí chất lượng cao. Sản phẩm mang thương hiệu MYXUAN-VT luôn đạt chất lượng cao, mẫu mã đẹp, được cung cấp rộng khắp các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ, miền Trung Tây Nguyên và TP Hồ Chí Minh… nhận được sự tín nhiệm cao của khách hàng. Công ty CP Chế biến XNK Thủy sản tỉnh (Basefood), với phương châm “Chất lượng sản phẩm là sự sống còn của doanh nghiệp”, các sản phẩm của Công ty đều được kiểm soát chặt chẽ từ khâu nhập nguyên liệu đến khâu chế biến, đóng gói và phân phối cũng như tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, luôn được bình chọn là địa chỉ du lịch đáng tin cậy. Công ty Co.op Mart Bà Rịa, Co.op Mart Vũng Tàu đã lựa chọn chiến lược là siêu thị kinh doanh hàng Việt và là nhà phân phối thuần Việt. Với quyết tâm kiên trì “Đưa hàng Việt về nông thôn”, Co.op Mart Bà Rịa, Co.op Mart Vũng Tàu tự hào là thương hiệu Việt luôn là người đồng hành, thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa nhà sản xuất trong nước với người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu và tạo dựng niềm tin với khách hàng.
Nhằm đẩy mạnh CVĐ một cách sâu rộng và đạt hiệu quả hơn nữa, tỉnh Kon Tum vẫn tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện CVĐ thông qua các hoạt động: Tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại, quản lý thị trường... Đặc biệt, thường xuyên tổ chức các hoạt động đối thoại với các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nâng cao năng lực cạnh tranh, quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường, đưa hàng hóa mang thương hiệu Việt đến tận tay người tiêu dùng ở các khu dân cư; đồng thời, đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, các hành vi gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh thực phẩm làm ảnh hưởng đến chất lượng và thương hiệu của các mặt hàng sản xuất trong nước, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà sản xuất và người tiêu dùng trên địa bàn.